Nông dân tập trung chăm sóc cây trồng vụ hè - thu

(NTO) Những ngày này, tranh thủ thời tiết giảm nóng bức, nông dân trên toàn tỉnh tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng vụ hè-thu.

Trên những cánh đồng lúa trong vùng hưởng lợi nước tưới kênh Bắc và kênh Nam, không khí lao động nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Thêm (thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) đang cấy dặm lúa, cho biết: Vụ hè–thu này, bà con trong xã xuống giống đồng bộ, đúng lịch thời vụ. Trước tình hình nắng hạn, xã khuyến cáo bà con sử dụng giống xác nhận, có khả năng chống chịu nắng nóng. Thời điểm gieo sạ gặp nắng gắt, lúa mọc không đều, nhưng nhờ có những cơm mưa đầu mùa vừa rồi kích thích phát triển nhanh. Hiện nay, bà con chủ yếu ra đồng cấy dặm lúa, tạo độ đồng đều, công việc phải khẩn trương, tránh kéo dài gặp trời nắng nóng trở lại sẽ kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa.

 
Anh Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ địa chính xã Bắc Phong “ra đồng cùng nông dân” chăm sóc cây bắp lai trên cánh đồng chuyển đổi.

Năm nay, nắng hạn gay gắt, ngành Nông nghiệp, các địa phương chỉ đạo nông dân chỉ sản xuất lúa ở những khu vực chủ động nước tưới. Đối với những cánh đồng cuối kênh, xa nguồn nước, sử dụng nước tưới ở các hồ, đập chuyển qua trồng màu. Dịện tích lúa hè-thu vì vậy chỉ còn 10.930ha, giảm 1.989ha so với vụ trước. Nhờ có sự chỉ đạo sản xuất hợp lý, nên đến nay, không lo thiếu nước tưới cho cây lúa. Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến thất thường, mưa nắng đan xen như hiện nay, rất dễ xuất hiện sâu bệnh. Chi Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã chỉ đạo các Trạm BVTV tăng cường thăm đồng, theo dõi diễn biến của sâu bệnh. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cho biết: Qua kiểm tra, chưa phát hiện sâu bệnh xuất hiện trên cây lúa, tuy nhiên không loại trừ khả năng sâu sẽ phát sinh ở giai đoạn lúa làm đòng, đẻ nhánh trong tháng tới. Đơn vị đã khuyến cáo bà con sau cấy dặm, bón phân là tiến hành các biện pháp ngăn chặn mầm mống sâu bệnh bằng cách phát dọn cỏ bờ, vệ sinh đồng ruộng.

Ở những vùng đất lúa chuyển qua trồng màu, hình thành các tổ, nhóm chăm sóc cây trồng mang tính cộng đồng cao. Có mặt tại cánh đồng Huyện Đội, đồng Cây Keo (thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) vào sáng 23-6, cán bộ huyện, xã xuống đồng cùng nông dân chăm sóc cây màu. Trên cánh đồng “liên kết” rộng 35ha, hàng chục người ở các tổ, nhóm sản xuất dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đang tích cực làm cỏ, bón phân cho cây bắp lai. Anh Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ địa chính xã Bắc Phong, phụ trách tổ chức sản xuất ở khu vực chuyển đổi, cho biết: Cánh đồng này trước đây “ăn nước” hồ Sông Trâu, mỗi năm trồng 3 vụ lúa. Suốt cả năm 2014, do thiếu nước tưới nên bà con ngưng sản xuất. Vụ hè-thu này, huyện chủ trương chuyển từ lúa sang trồng bắp lai. Để khuyến khích bà con chuyển đổi, huyện hỗ trợ toàn bộ giống bắp lai NK 67, với mức 18kg/ha, 4 máy bơm nước từ kênh Bắc về phục vụ tưới nước luân phiên cho những ruộng bắp liền kề của 60 hộ tham gia chuyển đổi. Nông dân Phạm Văn Hà, hộ chuyển 1ha đất lúa sang trồng bắp lai, cho biết: Đầu tháng 6, xã tổ chức họp dân triển khai kế hoạch sản xuất cây trồng cạn, ban đầu, gia đình còn do dự vì lâu nay chỉ quen trồng lúa. Nhưng khi nghe cán bộ chuyên môn phổ biến mô hình sản xuất mới, theo hình thức tập trung, có tổ chức chặt chẽ từ khâu làm đất, xuống giống, theo nước đến chăm sóc, nên tôi mạnh dạn làm theo. Không ngờ bắp lai thích hợp với vùng đất này, nếu thuận trời như mấy ngày này, nông dân cầm chắc phần thắng.

Vụ hè-thu này, tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển 340ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu xanh, dưa hấu. Để giúp nông dân ở những vùng chuyển đổi, các huyện đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về cơ sở hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trồng đúng theo quy trình kỹ thuật. Thuận Bắc là huyện đi đầu trong toàn tỉnh thực hiện chuyển 135ha đất lúa sang trồng bắp lai và đậu xanh, đã có cách làm hay, như: thành lập các tổ, đội sản xuất, vận động nông dân “dồn điền” hình thành cánh đồng mẫu lớn. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Kết quả của vụ chuyển đổi đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, tạo nguồn thu nhập cho nông dân, vừa làm cơ sở để nhân rộng ở các vụ tiếp theo, thực hiện chủ trương tăng cường các loại cây trồng cạn trong mùa nắng hạn của tỉnh.