Thời gian qua, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác CĐS. Đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây sử dụng cho toàn tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng và mạng BCAnet của ngành Công an đã được triển khai, kết nối từ Trung ương đến cấp xã; bảo đảm an toàn an ninh mạng. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước. Triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng kho dữ liệu dùng chung để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai kết nối thành công với Cổng dịch vụ công của tỉnh theo Đề án 06, đảm bảo đúng thời gian quy định…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CĐS của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế: Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh chưa nhiều; tính đồng bộ, liên thông dịch vụ công chưa cao; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CĐS chưa đủ mạnh; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho CĐS còn hạn chế…
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tham luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, nêu lên những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy CĐS, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các vấn đề: Triển khai không dùng tiền mặt; giải pháp cần thiết hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; giải pháp hệ sinh thái nông nghiệp số; chiến lược hạ tầng trong CĐS qua đám mây thông minh; số hoá, dữ liệu nền tảng số; an ninh mạng…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu; nhấn mạnh về tầm quan trọng của CĐS là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó kinh tế số được đặc biệt quan tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phấn đấu kinh tế số đóng góp vào GDP đạt 20% vào năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành, địa phương cần tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại hội thảo; trên cơ sở đó, tập trung nghiên cứu, đề ra các giải pháp để thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số. Phát triển hạ tầng số, nhất là thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán điện tử. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội thảo.
Đồng chí mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và người dân chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế số, thay đổi tư duy và nhận thức trong đổi mới, sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh số, hướng tới tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh, góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, cũng như các giai đoạn tiếp theo.
Uyên Thu