1. Chạy bộ vì sức khoẻ
Xóm tôi có đám đàn ông tuổi trung niên đã có vợ con, kinh tế thuộc loại trung bình nhưng gia đình họ luôn đầm ấm, vui vẻ. Nhân ngày “Gia đình Việt Nam”, họ được “Hội Gia đình” của xã mời chia sẻ bí quyết về giữ gìn hạnh phúc. Anh trưởng nhóm và là Chủ nhiệm “Câu lạc bộ chạy” của xóm vui vẻ cho biết: Bí quyết gì đâu, các vị biết đấy, phụ nữ ai chẳng thích đàn ông khoẻ mạnh bởi họ không chỉ là chỗ dựa tin cậy mà còn mạnh mẽ chuyện tình yêu. Muốn vậy thì phải thường xuyên tập luyện thể thao và môn thể thao ít tốn kém nhất, dễ tập luyện nhất, có tính tập thể nhất chính là chạy bộ. Ban đầu có thể là đi bộ, rồi vừa đi vừa chạy, sau quen rồi duy trì chạy mỗi buổi sáng năm, bảy cây số. Mấy cụ ông cùng xóm buổi sáng sớm tập dưỡng sinh thấy cánh đàn ông xóm tôi nói “nhìn chúng chạy thấy mà thèm”, còn phụ nữ nhìn họ chạy trầm trồ thốt lên “thế mới là đàn ông chứ”! Chẳng biết sau đó xã tuyên truyền vận động ra sao nhưng năm đó tỷ lệ toàn dân thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao của xã tăng vọt lên 300%, trong đó tỷ lệ đàn ông tham gia chạy chiếm hơn 90% và xã còn được cấp trên khen về phong trào chạy bộ. Bí quyết giữ gìn hạnh phúc của đàn ông xóm tôi đơn giản chỉ là “chạy” bộ, ai chưa tin thì cứ tham gia chạy bộ hàng ngày xem thế nào.
Ảnh minh họa.
2. Chạy đua để giành lấy sự sống
Bạn tôi có cô em gái chẳng may bị bệnh hiểm nghèo, tốn kém đã đành nhưng nguy cơ tiền mất mà cứu không được luôn hiện hữu. Một bữa có anh bạn là sĩ quan quân đội ghé thăm, thấy tình thế cô nguy kịch, dù chẳng biết cách nào động viên bạn nhưng lại có cách “lên lớp” cho bệnh nhân khá ấn tượng “Mình thắng nó hay nó thắng mình, xét cho cùng ai bản lĩnh hơn, gan dạ hơn và nhanh hơn trong cuộc đua thì người đó chiến thắng” rồi kết luận xanh rờn “mình phải thắng, không được thua”. Nghe lời bạn, cô âm thầm nén chịu đau đớn những khi xạ trị và tin vào khả năng chạy đua của mình với bệnh tật. Ngày lại qua ngày nhìn những người thua cuộc trong lúc chạy đua cô lại thêm niềm tin mình đang dần về đích trước “hắn”. Thế rồi cùng với y học hiện đại và khả năng tiềm ẩn to lớn của con người, cô đã vượt qua cuộc đua ngàn cân treo sợi tóc. Hiện nay cô đang là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học ngành y về sức mạnh con người có thể vượt qua căn bệnh nan y mà nền y học hiện đại chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu để điều trị. Vậy nên nếu có bệnh bạn cũng ráng “chạy” đua với “hắn” để vượt qua chính mình và giành chiến thắng.
3. Chạy để giành vị thế cá nhân
Cơ quan bạn tôi chuẩn bị tổ chức đại hội đoàn thể theo nhiệm kỳ quy định. Công tác nhân sự cho ban chấp hành được mọi người bàn luận nhiều nhất. Người thì cho rằng vào Ban chấp hành ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, người thì cho gánh thêm trách nhiệm… nên việc chọn ai vào Ban chấp hành là chuyện của tổ chức, của tập thể. Vậy nhưng cũng có người suy nghĩ cần vào được Ban Chấp hành để làm "bàn đạp" tiến thân. Thế là xuất hiện "nhóm" vận động giới thiệu cá nhân đó vào ban chấp hành; vận động trực tiếp, qua tin nhắn… để sao cho có đủ số phiếu bầu cho mình, thậm chí họ còn đề nghị gạch người này, bỏ người kia. Chỉ có điều nhóm này là những người khéo luồn lách, nói hay làm dở, nói nhiều làm ít… tóm lại là có năng lực “chạy” giỏi! Kết quả bầu cử hoá ra lại không như ý muốn của nhóm “chạy”. Cấp trên sáng suốt, tập thể sáng suốt nên sau đại hội có người đặt tên cho họ là “nhóm chạy tả tơi”, đúng là “gậy ông đập lưng ông”!
Chạy bộ thường xuyên để có sức khoẻ có lẽ ai cũng đồng tình, còn bản lĩnh gan lì chạy đua để giành sự sống cho bản thân thì đáng kính nể và khâm phục. Ai đó “chạy” để giành quyền lợi, giành phần hơn và nhất là giành vị thế cho mình thì thật đáng trách. Xã hội vẫn còn đó một bộ phận người chỉ vì bản thân mà quên đi bổn phận với tập thể, với cộng đồng, đó là sự cảnh tỉnh cho chúng ta không được để những người như vậy có cơ hội làm ảnh hưởng đến niềm tin của mọi người.
Minh Thư