Tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai nhiều dự án hạ tầng, giao thông, khu công nghiệp nhất là khu vực phía Nam nên nhu cầu về đất, đá phục vụ san lấp mặt bằng rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều mỏ trong quy hoạch chưa được khai thác nên các dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung.

 Theo rà soát, tổng nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần trên 14,7 triệu m3; trong đó nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án thuộc các thành phần kinh tế tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh hiện cần khoảng trên 10 triệu m³ và nhu cầu cho các dự án đô thị sắp triển khai thi công là 2,3-3 triệu m3. Đơn cử như một số dự án trọng điểm đang triển khai như: Đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná, nhu cầu vật liệu san lấp hiện nay cần khoảng 245.000m3. Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná hiện đang thi công nhu cầu vật liệu san lấp khoảng 850.000m3 và dự án Khu đô thị mới Cà Ná nhu cầu cần 1,7 triệu m3 vật liệu san lấp.

Một số dự án lớn đang sắp sửa triển khai có nhu cầu vật liệu lớn như: Hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná có nhu cầu đến 8,3 triệu m3, Khu du lịch Cap Pandaran Mũi Dinh (dự kiến khởi công năm 2025), cần khoảng 0,7 triệu m3. Ngoài ra, các dự án Khu đô thị mới bờ Sông Dinh, Khu đô thị mới Tây Bắc đều có kế hoạch khởi công trong năm 2025 với nhu cầu vật liệu hơn 2,5 triệu m3. Do đó nhu cầu vật liệu san lấp trong thời gian tới là rất lớn.

San lấp mặt bằng thi công tuyến đường Ninh Sơn - Tà Năng (Đức Trọng).

Trong khi đó trữ lượng vật liệu san lấp từ các mỏ đã được cấp phép, đang cấp phép, các mỏ được thu hồi đất tầng phủ trên địa bàn huyện Thuận Nam không đáng kể. Phần diện tích quy hoạch còn lại chưa cấp phép là 198,9ha với tài nguyên dự báo khoảng 11,565 triệu m3 nhưng trong đó có một số khu vực không đủ điều kiện để cấp phép khai thác do nằm trong phần diện tích quy hoạch khu du lịch ven biển phía Nam. Do đó, trữ lượng vật liệu san lấp theo quy hoạch và cấp phép hiện tại không đủ đáp ứng được nhu cầu cho các dự án này khi triển khai thi công trong thời gian tới.

Đồng chí Võ Văn Công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Để chuẩn bị cho nhu cầu trong thời gian tới, ngoài nguồn vật liệu san lấp đã cấp phép khai thác, hiện nay Sở TN&MT đã và đang tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện khai thác, nhất là các thủ tục để được cấp phép khai thác khoáng sản đi kèm là đất tầng phủ tại các mỏ đá xây dựng (các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện), do đó trong thời gian tới, Sở TN&MT và các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ đẩy nhanh giải quyết các thủ tục liên quan (bổ sung đầu tư, thiết kế khai thác, đánh giá tác động môi trường, bổ sung giấy phép khai thác) để giải quyết cấp phép khai thác khoáng sản đi kèm là đất tầng phủ tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp cho các dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh đã có chủ trương thực hiện dự án nạo vét cảng cá Ninh Chữ với khối lượng nạo vét tương đối lớn, cũng là nguồn vật liệu có thể sử dụng để san lấp cho các dự án có nhu cầu lớn về nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc rà soát các khu vực quy hoạch khoáng sản để đề xuất đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2024, Sở TN&MT đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất 11 khu vực dự kiến đưa vào kế hoạch tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo kết quả rà soát hiện có 4 khu vực cơ bản đủ điều kiện đưa vào kế hoạch đấu giá khoảng sản, còn lại 7 khu vực chưa đủ điều kiện do chồng lấn, ảnh hưởng tới các quy hoạch ngành và quy hoạch thuộc quản lý của địa phương. Do đó, hiện nay các ngành, địa phương đang cùng phối hợp xử lý các vướng mắc liên quan để sớm đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đảm bảo điều kiện khu vực được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi trúng đấu giá không chồng lấn với quy hoạch của các ngành, địa phương đang quản lý. Hiện nay Sở Xây dựng đang cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan rà soát kỹ lưỡng để làm rõ việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch thuộc quản lý ngành, địa phương trong Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các khu vực dự kiến đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2024; làm rõ phạm vi, diện tích chồng lấn, ảnh hưởng của các khu vực dự kiến đấu giá với các quy hoạch thuộc ngành, địa phương quản lý. Trên cơ sở đó, xử lý kịp thời các vướng mắc, sớm tổ chức đấu giá, cấp quyền khai thác các mỏ để đáp ứng nhu cầu về vật liệu thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.