Lan tỏa niềm tự hào hàng Việt Nam

Sau gần 15 năm triển khai, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã lan tỏa, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp và người dân. Qua đó, không chỉ làm thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng trong ưu tiên chọn lựa, sử dụng hàng Việt Nam, mà còn thể hiện lòng yêu nước và khơi dậy niềm tự hào hàng Việt.

 Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao. Hiện có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%...

Những con số biết nói này chứng minh những nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương, với cách làm chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm; đồng thời, cho thấy nhận thức của người tiêu dùng đã dần thay đổi, khi tâm lý sính hàng ngoại đã giảm đi.

Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2024 ở Hà Nội. (Ảnh MẠNH PHÚ)

Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt Nam được trưng bày tại hệ thống quầy, kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và chiếm tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập, trong đó, thực phẩm chiếm đa số. Đơn cử tại chuỗi siêu thị Big C, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%, với khoảng hơn 40 nghìn mã hàng hóa các loại. Tại chuỗi siêu thị WinMart, WinMart+, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa. Trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.

Thực tế, sản phẩm gia dụng, đồ dùng học tập của doanh nghiệp trong nước nhiều năm trở lại đây cũng chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa. Tại các nhà sách như Fahasa, Nhã Nam, Tiền Phong, Trí Đức, Tiến Thọ..., các mặt hàng đồ dùng học tập phong phú, đa dạng về mẫu mã; đồ dùng học tập "made in Vietnam" hiện chiếm đến 80% lượng hàng hóa.

Chị Hoàng Thị Huyền, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất hài lòng khi đến mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng tại các siêu thị, vì hàng hóa khá phong phú, đa dạng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều nhãn hiệu của các nhà sản xuất trong nước có giá cả hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng...".

Bà Nguyễn Thị Hiền, 70 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: "Thay vì quen mua hàng ngoại, những năm gần đây, tôi và bạn bè đã chuyển hẳn sang dùng hàng sản xuất trong nước và chọn hệ thống các siêu thị là nơi mua sắm chính. Qua sử dụng, tôi nhận thấy chất lượng hàng Việt ngày càng nâng cao, mẫu mã đẹp, nhiều hàng hóa không thua kém hàng nhập khẩu, bên cạnh đó lại có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu người tiêu dùng".

Hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt Nam, anh Trần Nam, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Trước đây tôi thường có thói quen lựa chọn sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, từ đồ gia dụng đến các loại máy móc, thiết bị trong gia đình. Mặc dù giá sản phẩm cao nhưng tôi thấy yên tâm về chất lượng. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, tôi nhận thấy các loại hàng hóa trong nước có tiến bộ nhiều về mẫu mã, chất lượng mà giá lại rẻ hơn nhiều so với những mặt hàng cùng chủng loại được nhập khẩu từ nước ngoài. Kể từ đó, tôi thấy yên tâm và tin dùng các sản phẩm trong nước".

Không thể phủ nhận, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã và đang làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt dần chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một rào cản lớn hiện nay đối với việc triển khai Cuộc vận động, đó là người tiêu dùng mua sắm qua môi trường internet ngày càng nhiều, hoạt động chào bán hàng online không khai báo và đăng ký kinh doanh diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát.

Trong khi đó vẫn còn bộ phận người tiêu dùng có tư tưởng sính hàng ngoại, chưa thật sự tin tưởng chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt. Cùng với đó, cũng phải kể đến việc danh mục hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng vẫn còn ít, nhất là ở các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để triển khai hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chiến lược người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đi sâu vào chất lượng sản phẩm theo công nghệ mới, nâng cấp các dịch vụ để phục vụ khách hàng nhanh và hiệu quả hơn.

Các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục nhân rộng các điểm bán hàng Việt cố định tại các huyện, thành phố, thị xã... để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương, thương hiệu hàng Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để điểm bán hàng Việt kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở có các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương, đưa sản phẩm an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Theo nhandan.vn