Anh học lớp 12, tôi lớp 10. Anh thân thể cường tráng, ham thích thể thao, tôi ẻo lả, ngán ngẩm vận động chân tay. Anh là học sinh giỏi, tôi chỉ mức trung bình. Cùng ở trọ với anh, tôi hưởng được nhiều đặc quyền của đứa em được anh trai thương yêu. Anh giặt đồ, nấu cơm, kèm tôi học. Tôi xem những việc anh làm giúp tôi là tất phải thế. Anh thường nói “Học cũng như chơi. Sống phải hết mình”. Tôi nghe mà có phần đố kỵ với sức khỏe, sức học, sức chơi của anh.
Kỳ thi đến. Học giỏi nhưng anh đậu tốt nghiệp với số điểm chẳng cao lắm. Rồi thi đại học, anh bị trượt. Anh suy sụp hẳn. Bơ phờ. Hốc hác. Cảm thương anh nhưng trong tôi vẫn thỏa mãn một tình cảm ích kỷ: Vậy là hết nói dóc!
Anh không ôn thi mà đi học thợ hồ. Tôi bước vào năm 12 thì anh là một đốc công cho một công ty xây dựng tư nhân. Anh thường đến thăm tôi, cho quà, động viên tôi học tập. Tôi nhận quà, ừ hử cho xong chuyện. Trong tôi, anh chỉ là anh thợ hồ tầm thường.
Tôi đậu tốt nghiệp phổ thông rồi thi đậu vào đại học Y. Mẹ tôi vui mừng khôn xiết. Mẹ làm mâm cỗ kính báo, cúng tạ tổ tiên. Mẹ nói “Con mẹ giỏi lắm! Con đã giúp mẹ thực hiện được ý nguyện của cha con. Mẹ vui lắm!”. Tôi tự đắc “Chứ đâu như anh Hai. Nói thì giỏi mà mới thi rớt đã chán nản, bỏ học”. Mẹ ngẩng mặt, sửng sốt nhìn tôi, tay mẹ để rớt dĩa xôi đang đơm dở vào nồi. Nước mắt mẹ trào ra theo lời nói “Con ơi!... Sao con nỡ nói thế? Con có biết anh con khóc hết nước mắt xin mẹ nghỉ học để đi học nghề, làm kiếm tiền giúp mẹ nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn vì mẹ đã kiệt sức rồi. Con chưa đáp đền ơn anh con ngày nào, sao con lại nỡ nói thế con ơi!...”. Mẹ vội quay mặt lau nước mắt vào đầu gối khi dáng cao lớn của anh tôi đi vào bếp, hồ hởi nói “Vậy là bảy năm nữa gia đình mình sẽ có một bác sĩ chữa bệnh cứu người. Hay quá! Học cũng như chơi, phải hết mình! Cố gắng lên, em nhé!”.
Một sự òa vỡ trong tôi…
Xuân Trần