Theo giới thiệu của nghệ nhân điêu khắc Phùng Ngọc Anh, chúng tôi tìm gặp Phạm Đình Duy cùng gia đình sinh sống trong căn nhà nhỏ ở khu phố 1, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh là nụ cười lạc quan luôn nở trên môi và khuôn mặt khá “ăn ảnh” của chàng trai vừa bước qua tuổi ba mươi. Anh đưa chúng tôi tham quan “góc chế tác” bộn bề hàng trăm mẫu đá nguyên sơ và thiết bị cắt gọt, mài đá, mực tàu, bút lông. Chúng tôi bị “hút hồn” bởi những tác phẩm đá lung linh sắc màu được anh chạm khắc nên hồn, nên vía với các tên gọi: Cây phong thủy, Ngũ Hành Sơn, Chiêu Tài Lộc, Kim Quy… Tác phẩm chế tác từ chất liệu thạch anh, canxedon, mã não, gỗ hóa thạch có đường nét, sắc màu rất riêng được người chơi đá cảnh yêu thích.
Anh Phạm Đình Duy với tác phẩm tranh đá.
Chỉ với bàn tay trái, anh đã nỗ lực rèn luyện, sử dụng thuần thục các thiết bị chạm khắc chế tác đá cảnh. Đồng thời, anh cầm bút lông viết thư pháp, vẽ tranh trên đá với đường nét mềm mại, duyên dáng. Chúng tôi được tận “mục sở thị” những tác phẩm tranh sơn dầu do Duy vẽ phong cảnh phố cổ Hội An, làng quê Việt Nam với những sắc màu tươi sáng. Ý chí và cốt cách tài hoa của chàng trai khuyết tật đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, để dâng tặng cho đời những tác phẩm nghệ thuật đáng quý. Duy phấn khởi “khoe” trong dịp vừa qua, anh bán được tác phẩm “Thạch Thiềm” được chạm khắc bằng đá canxedon xanh nặng khoảng 3,5 kg cho một người yêu thích đá phong thủy, với giá 4 triệu đồng, nhờ đó, vợ chồng anh có tiền sắm sửa Tết.
Trò chuyện với anh, chúng tôi được biết, hơn mười năm trước, anh chẳng may bị tai nạn tàu lửa tại tỉnh Quảng Ngãi. Từ chàng trai khỏe mạnh đang theo học nghề cơ khí, anh bị mất cánh tay phải và chân phải. Sau khi sức khỏe bình phục, anh theo nghệ nhân Phùng Ngọc Anh học nghề chế tác tranh đá. Đồng thời, theo họa sĩ Tân ở Long Bình học vẽ tranh sơn dầu. Nghề vẽ tranh giúp anh có kiến thức về bố cục hình ảnh, phối màu để chế tác đá cảnh và viết thư pháp trên đá. Thế rồi, chàng trai khuyết tật học vẽ tranh sơn dầu có duyên nợ với cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngô Vân ở làng Bình Quý. Đôi vợ chồng trẻ tạo lập cuộc sống gia đình hạnh phúc, với nguồn thu nhập khá khiêm tốn từ nghề chế tác đá.
Giữa tháng Giêng năm nay, anh liên kết với các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh, thành lập nhóm liên kết nhận tạo, chế tác đá cảnh, tạc tượng, vẽ tranh tường, vẽ tranh đá, viết thư pháp đá, thiết kế sân vườn, non bộ…. Cơ sở hoạt động của nhóm nghệ nhân đặt tại số nhà 410 A, đường 21 Tháng 8 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Chia tay với chàng trai khuyết tật tài hoa, chúng tôi nhớ mãi bức thư pháp đá do chính anh viết, nét chữ mềm mại: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Sơn Ngọc