Điều lạ là ngay cả những năm giáp Tết trời quang mây tạnh; mới ba mươi nắng xuân còn rải vàng thôn xóm; nhưng hễ bước sang mồng một là… mưa, kì chưa?
Mưa mồng một miền Trung cũng thật hay: mưa buổi sáng, hiếm khi nặng hạt mà đa phần chỉ là là rây bụi. Giống kiểu mưa phùn nơi đất Bắc; kiểu mưa đã được thi sĩ Vũ Đình Liên đưa vào bài thơ “Ông Đồ”, đã thăng hoa thành một biểu tượng thi ca (có lẽ) ngàn năm còn mãi: Ông Đồ vẫn ngồi đấy\ Qua đường không ai hay\ Lá vàng rơi trên giấy\ Ngoài đường mưa bụi bay…. Phải cứ “bụi bay” là là chừng non buổi, đủ thấm ướt đường làng, ngõ xóm, đủ gột sạch bụi bặm ít nhiều còn vương trên cây trên lá, đủ làm tươi nhuận những lộc cành biêng biếc vào xuân là tạnh. Và đã tạnh thì chỉ nửa giờ sau là quang mây, rót nắng, tỉnh bơ như… chưa hề có trận mưa nào trước đó! Có điều bây giờ thì đất trời sáng sủa, phơi phới thanh tân như sau một cuộc… tẩy trần! Mà đúng; mưa tẩy trần; bởi ngày còn sống mẹ cũng bảo thế. Có điều mẹ không biết (hay không muốn) văn hoa ngôn ngữ. Mẹ cứ gọi là mưa rửa bụi. Đúng phóc; còn gì nữa? Mẹ bảo: Đầu năm, trời rửa bụi cho sạch sẽ để nghinh Xuân…. Nôm na vậy mà chuẩn, mà hay; bởi cuối năm dọn dẹp quét tước tưng bừng, sửa đắp lung tung - tài nào nhà, hiên, sân, ngõ cùng cây cối xung quanh chẳng phủ lớp bụi mờ? Bụi ấy chỉ có nước nhờ… trời rửa!
…Mà đúng, trời đã rửa, đã phụ một tay tẩy trần giúp nhân gian bằng những cơn mưa mồng một, những cơn gột sạch nốt những gì bất tịnh còn dây dưa từ năm cũ để nhân sinh thoải mái, yên tâm bước vào năm mới. Không vấn vương những thua buồn quá khứ. Yên tâm hướng về phía trước bằng niềm tin, hy vọng vào một tương lai sáng sủa, thanh tân...
Y Nguyên