Hương vị bánh cổ truyền tết Ramưwan

(NTO) Đến hẹn lại lên, ngày tết Ramưwan dù không được báo hiệu bằng những loài hoa rực sắc như hoa mai, hoa đào hay tiết trời hơi se lạnh của những ngày cuối đông như tết cổ truyền của người Việt. Nhưng không vì thế mà ngày tết Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Hồi chúng tôi lại không rộn ràng tươi vui và kém đi cái hương sắc độc đáo riêng.

Với tôi cái làm nên hương vị Ramưwan không thể lẩn vào đâu được, chính là những món bánh cổ truyền của mẹ. Năm nào cũng thế, cách ngày ăn tết khoảng vài ngày, là mẹ tôi lại tất bật chuẩn bị làm những loại bánh truyền thống như bánh thuẩn, bánh tét (tapei anung), bánh ít (tapei bilik), bánh củ gừng (ginraong laya)…

Phụ nữ Chăm làm bánh ginraong laya đón tết Ramưwan 2014.

Bánh củ gừng (ginraong laya), món bánh đặc trưng trong dịp tết Ramưwan.

Bánh thuẩn và bánh củ gừng được mẹ chọn làm trước, vì thời gian dùng và bảo quản được lâu hơn các loại bánh còn lại. Với nguyên liệu bột, trứng, đường, bơ, một trái cam và một ít sữa là bạn đã có một món bánh béo xốp thơm lừng. Mỗi khi ngửi thấy mùi thơm ngạt ngào từ khuôn bánh thuẩn nở xốp vàng nghệ, lòng tôi lại nôn nao những cảm xúc khó tả. Trong tất cả các loại bánh của người Chăm, có lẽ bánh củ gừng là một loại bánh đặc biệt và độc đáo nhất, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Chăm. Nguyên liệu làm bánh củ gừng tuy đơn giản như gạo nếp, gừng, trứng gà, đường, nhưng cách chế biến lại rất phức tạp. Để làm bánh, người ta chọn loại nếp ngon đem ngâm rồi xay nhuyễn, cho vào túi vải ép ráo hết nước, đem phơi nắng cho ráo khô sau đó chà tán mịn. Tiếp theo cho trứng gà được đánh tan, gừng giã nhuyễn và một ít men rượu vào bột theo tỉ lệ thích hợp, nhào bóp mạnh tay cho đến khi bột dẻo mịn, sau đó bóc lấy từng nắm bột nhỏ đặt lên lá chuối để nặn thành hình củ gừng theo ý tưởng của mỗi người. Bánh được nặn xong đem bỏ vào chảo dầu sôi chiên giòn rồi vớt ra để cho ráo dầu, tiếp đến là đem nhúng từng miếng bánh vào chảo đường được nấu với một ít gừng. Bánh có vị ngọt của đường, béo của trứng và mùi thơm của gừng, do đó gọi nôm na là bánh củ gừng.

Còn bánh tét và bánh ít thường làm cách ngày tết khoảng 2 ngày, vì bánh dễ thiu, không thể dành ăn lâu được. Tapei anung cũng như bánh tét người Việt, bánh làm từ nếp, nhân thường làm bằng đậu xanh hay đậu phộng. Tapei bilik thì giống như bánh ít, bánh được làm từ bột nếp, thường có nhân ngọt từ dừa hay đậu xanh. Nhìn nồi bánh tét đang sôi sùng sục, tỏa hương thơm ngát là có nghĩa Ramưwan đang đến rất gần.

Tết đến, gia đình sum vầy cùng nhau thưởng thức những miếng bánh thơm ngon, mang đậm chất quê và tình người. Mỗi loại bánh mang những hương vị đặc sắc riêng, vừa gần gũi vừa thân quen, để rồi cùng nhau quyện hòa tạo nên một “hương vị độc đáo Ramưwan” mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm.

Sau này dù bạn có đi đâu, là ai đi chăng nữa thì chẳng thể nào quên được cái cảm giác háo hức, nôn nao trông chờ ngày trở về để được Ramưwan dần đến theo từng món bánh của mẹ.