Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp gặp phải những “điểm nghẽn” về mặt pháp lý, tài chính, chính sách,... dẫn tới thiếu sự đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội và môi trường, chưa đáp ứng được tầm nhìn dài hạn về năng lượng.
Ðể thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi, mang tính đột phá, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhằm giảm những thách thức trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Tàu vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cập vào cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh NGỌC THANH)
Cơ hội cho doanh nghiệp
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam được đánh giá có đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng, với đường bờ biển dài, thời tiết nhiệt đới gió mùa, lượng bức xạ nhiệt mặt trời và lượng gió tương đối lớn để sản xuất năng lượng tái tạo. Việt Nam đã xây dựng một chính sách phát triển năng lượng rõ ràng, dài hạn qua việc ban hành Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Ðiện VIII).
Theo đó, Việt Nam hướng đến đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng nhiên liệu hóa lỏng (LNG) và sử dụng các nguồn điện sinh khối vào cơ cấu phát điện nhằm phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm với sự chuyển dịch này thông qua cam kết Net Zero tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Quy hoạch Ðiện VIII đã đưa ra mục tiêu sử dụng 31-39% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 68-72% vào năm 2050; thành lập hai trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại miền bắc, Nam Trung Bộ và miền nam Việt Nam.
Theo nhận định của Giám đốc Dịch vụ tư vấn dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam Abhinav Goyal, nếu có sự chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong tương lai.
Việc dịch chuyển năng lượng sẽ tác động trực tiếp và mang đến cơ hội cho các nhà phát triển dịch vụ và cung cấp công nghệ khi đưa ra các giải pháp năng lượng tái tạo trong lĩnh vực mới, cũng như phối hợp với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để cùng đưa ra những chính sách hỗ trợ các sản phẩm và dịch vụ mới. Ðồng thời, cơ hội cũng sẽ đến với các doanh nghiệp khác trong việc nội địa hóa, cung cấp thêm các dịch vụ mới trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng toàn cầu,...
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Hà Mạnh cho biết, phát triển bền vững, “xanh hóa” ngành dệt may là hướng đi mà May 10 đang hướng tới để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, đặc thù điện năng lượng mặt trời phụ thuộc thời tiết và điều kiện hạ tầng của từng doanh nghiệp, nếu thực hiện hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, tỷ lệ cung ứng điện sạch cho sản lượng điện tiêu thụ tối đa sẽ chỉ đạt 30%.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, May 10 rất mong muốn tìm kiếm thêm các giải pháp, nguồn cung cấp về năng lượng sạch khác cho hoạt động sản xuất. Ðây cũng chính là cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất, tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai; từ đó tạo ra nguồn doanh thu mới cho doanh nghiệp, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.
Công nhân Tổng công ty Ðiện lực Thành phố Hồ Chí Minh lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. (Ảnh NAM DƯƠNG)
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Chỉ ra những cơ hội với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hydro xanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN Lê Ngọc Ánh Minh cho rằng, cơ hội trước hết sẽ đến với doanh nghiệp tư vấn chuyên môn kỹ thuật, luật, thực hiện tư vấn cho Chính phủ các bộ tiêu chuẩn hydro phát thải thấp và các dẫn xuất chuẩn quốc tế theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn H2/2025, NH3/2026.
Ngoài ra, với việc Bộ Chính trị quyết định đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, cơ hội cũng sẽ đến với các doanh nghiệp cung ứng năng lượng hydrogen trong hợp tác khai thác tàu sử dụng pin nhiên liệu hydro, tính toán nguồn hydro phát thải thấp vận hành các đoàn tàu. Ðáng chú ý, Việt Nam có trữ lượng hydro tự nhiên lớn, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thăm dò khai thác hydrogen tự nhiên có thể tận dụng được thế mạnh của ngành dầu khí Việt Nam ở ngoài khơi.
Tuy sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, song theo ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, vẫn có những điểm nghẽn pháp lý, rào cản chính sách cần sớm được nhận diện, tháo gỡ.
Trong đó, các nguồn lực về tài chính, thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện chiến lược giảm sâu phát thải các-bon trong tương lai, chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, Việt Nam vẫn thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao cho lĩnh vực lắp đặt, bảo trì và sửa chữa hệ thống năng lượng tái tạo để vận hành và duy trì ổn định, lâu dài.
"Các dự án năng lượng mới sẽ gặp khó khăn, thách thức khi cần chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng các sản phẩm tài chính hiện tại không đủ đa dạng và dài hạn để phù hợp nhu cầu. Các cơ chế tài chính mới như tài chính hỗn hợp, trái phiếu và khoản vay xanh hoặc liên kết bền vững và các công cụ nâng cao hiệu quả tín dụng chưa được sử dụng rộng rãi." Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN).
Bên cạnh đó, quy trình ban hành chính sách mất nhiều thời gian, cấp phép phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, đây là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng xấu đến tiến độ dự án. Ngoài ra, vẫn còn các khoảng trống trong chuỗi cung ứng nội địa của ngành năng lượng mới, khi phần lớn các linh kiện, thiết bị phục vụ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam chưa thể tự chủ, vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bên cạnh những khó khăn về tài chính, nhân lực, bất cập trong chính sách cũng là điểm nghẽn trong quá trình thúc đẩy chuyển dịch chuỗi năng lượng tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp mong muốn, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa người sử dụng điện năng và nhà cung ứng điện năng sạch thay vì thông qua mạng lưới điện quốc gia như quy định tại Nghị định số 80/2024/NÐ-CP.
Có như vậy, mới tạo ra cơ hội thúc đẩy tăng cường đầu tư, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư trong các doanh nghiệp và xã hội trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo; giúp các doanh nghiệp sản xuất chủ động hơn trong giải quyết cung-cầu năng lượng tái tạo, chứng minh được việc sử dụng nguồn cung ứng điện sạch phục vụ cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao; từ đó bảo đảm đạt “chứng chỉ xanh” cho hàng hóa cho xuất khẩu, cũng như tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm ưu đãi giá FIT (Biểu giá điện hỗ trợ).
Việc chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo sẽ đem đến cơ hội tốt cho Việt Nam. Nếu làm chủ được công nghệ, sẽ giúp Việt Nam có thể trở thành trung tâm về chuyển đổi năng lượng tại khu vực Ðông Nam Á. Vì vậy, cần có chiến lược dài hơi trong phát triển nội địa hóa và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư; có thêm cơ chế khuyến khích, hướng dẫn rõ ràng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng năng lượng như trạm và đường dây truyền tải cùng tham gia; gia tăng các hạn mức tín dụng xanh cho doanh nghiệp,…
Theo nhandan.vn.