Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam

Ngày 26/12, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn "Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam” tại Hà Nội.

 Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng cần tạo ra hệ thống sản phẩm mang tính đặc trưng, quảng bá thương hiệu quốc gia hiệu quả. Ngành du lịch cần hướng tới tăng trưởng và phát triển xanh, bền vững. Về logistics hàng không, giá vé máy bay cao là một hạn chế, cần sự hợp tác để giải quyết vấn đề này.

Bà Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật là cần thiết trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ nhắm vào lợi ích kinh doanh, bỏ qua các yếu tố bền vững, gây thất thoát tài nguyên.

Quang cảnh diễn đàn.

Theo ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã phục hồi ấn tượng và đạt mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc giá vé máy bay cao là rào cản đối với nhiều du khách...

Vì vậy, các chuyên gia có chung quan điểm cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý để xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm du khách. Bên cạnh đó, việc phát triển đường sắt cao tốc, đường cao tốc và các phương tiện vận tải khác cũng góp phần đa dạng hóa lựa chọn di chuyển cho du khách.

Về nhận diện thương hiệu cho du lịch Việt Nam, các chuyên gia cho rằng không nên chỉ tập trung vào quảng bá tài nguyên hay dịch vụ, mà cần xây dựng một “câu chuyện” về thương hiệu quốc gia độc đáo, chạm đến cảm xúc của du khách.

Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc truyền thông mạnh mẽ về điểm đến an toàn, chất lượng, như tập trung vào sự ổn định chính trị, an ninh trật tự và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển logistics hàng không, điều này nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Mặt khác, các diễn giả cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cụ thể là thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng thị trường. Đặc biệt là phát triển du lịch xanh, bền vững, hướng tới bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo nên những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm. Để làm được những điều này, các cấp quản lý sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực quản lý điểm đến.

Theo baotintuc.vn