* Theo Cục Thống kê tỉnh, hiệu quả trong đẩy mạnh công tác thu thuế và thu hồi nợ đọng thuế làm cho tình hình thu ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có sự tăng trưởng cao. Có 77,8% loại thuế nội địa thu tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 10 tháng ước đạt 3.844,4 tỷ đồng, đạt 96,1% dự toán năm và tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 3.771,9 tỷ đồng, đạt 95,6% và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 44 tỷ đồng, đạt 83% và tăng 59,4%. Trong thu nội địa, có 14/18 khoản thu tăng so với cùng kỳ năm trước: Thu tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tăng 31,5 lần; thu tiền sử dụng đất tăng 148,7%; thu khác ngân sách tăng 82,9%; thu hồi vốn, lợi nhuận sau thuế... tăng 81,4%; thu tiền sử dụng khu vực biển tăng 36,1%; thuế thu nhập cá nhân tăng 18,6%; phí - lệ phí tăng 12,8%; khu vực DNNN trung ương tăng 11,4%; thuế SDĐ phi nông nghiệp tăng 6,7%; thuế BVMT tăng 4,2%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 4%; lệ phí trước bạ tăng 3,4%; thu từ hoạt động xổ số tăng 1,8%; thu cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản tăng 1,3%. 4/18 khoản thu giảm: thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi, công sản khác giảm 39,4%; khu vực DNNN địa phương giảm 6,1%; khu vực DN có vốn ĐTNN giảm 6%; thu tiền cho thuê đất giảm 1,1%. Tổng chi ngân sách Nhà nước (không tính chi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) ước tính đạt 6.741,9 tỷ đồng, đạt 83,8% dự toán năm và tăng 11,6%.
* Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh ổn định và an toàn. Tình hình vốn huy động đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 10/2024, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 24.300 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước, tăng 7,8% so với cuối năm 2023; đạt 96,23% kế hoạch năm 2024. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 47.800 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước, tăng 12,6% so với cuối năm 2023; đạt 101,44% kế hoạch năm. Dư nợ xấu trên địa bàn là 555 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,16% so với tổng dư nợ, giảm 0,01% so với tỷ lệ nợ xấu tháng trước và tăng 0,53% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023.
Tình hình dư nợ một số chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh tính ước đến ngày 31/109/2024: Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 17.970 tỷ đồng, tăng 12,6%; cho vay xuất khẩu đạt 500 tỷ đồng, tăng 4,8%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.160 tỷ đồng, giảm 0,9%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 24,6%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 405 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023; cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo các chương trình của Ngân hàng chính sách xã hội dư nợ cho vay đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cuối năm 2023. Các khoản vay chính sách khác, như: Cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) dư nợ cho vay hiện còn 326 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Thông tư 11/2013/TT-NHNN: Dư nợ cho vay của các NHTM là 3,6 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định 100): dư nợ đạt 83,3 tỷ đồng.
Xuân Bính