Thực hiện Chương trình XTTM tỉnh Ninh Thuận năm 2024, ITTC Ninh Thuận đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả. Từ nguồn vốn khuyến công và XTTM, ITTC Ninh Thuận còn tăng cường hỗ trợ cho các DN trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, đào tạo lao động lành nghề, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm... 9 tháng đầu năm, ITTC Ninh Thuận đã triển khai cơ bản hoàn thành 8 đề án, trong đó 2 đề án thuộc chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến cho 2 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ 270 triệu đồng; 3 đề án thuộc chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững với tổng kinh phí 252 triệu đồng; 3 đề án thuộc chương trình tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí 504,4 triệu đồng. Góp phần, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển.
ITTC Ninh Thuận luôn theo dõi và nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình XTTM cấp quốc gia của Bộ Công Thương để kết nối cho các DN trong tỉnh tham gia, từ đó DN có định hướng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. ITTC Ninh Thuận đã giới thiệu, triển khai hoạt động XTTM với các tỉnh, thành phố và trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối lớn, điểm bán hàng OCOP ở những địa phương trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, ITTC Ninh Thuận hỗ trợ 195 lượt DN tham gia trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại các sự kiện XTTM trong và ngoài tỉnh. Thực hiện hỗ trợ 94 DN tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh với 368 sản phẩm được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử. Tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn với tổng kinh phí thực hiện 300 triệu đồng.
ITTC Ninh Thuận đưa hàng Việt về miền núi huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Nỷ
Gần đây nhất, Chương trình kết nối giao thương (B2B) xuất khẩu hàng hóa khu vực Nam Trung Bộ, Việt Nam với DN Hàn Quốc diễn ra vào cuối tháng 9/2024 tại tỉnh Ninh Thuận là hoạt động XTTM có ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo cơ hội giao lưu hợp tác kinh tế, kết nối giao thương, hỗ trợ để cùng nhau phát triển, góp phần nâng cao năng lực và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các DN, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Tại hội nghị, nhiều DN, HTX trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày với các mặt hàng OCOP, đặc trưng của địa phương như: Nho, táo, tỏi, hành, nha đam, muối, mứt rong sụn..., qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các DN quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, từ đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.
Chị Trần Thị Thu Hiền, đại diện Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) cho biết: Tham gia chương trình kết nối giao thương, chúng tôi mang đến sản phẩm chế biến từ rau câu như: Kẹo, thạch... với mong muốn kết nối với các DN, tổ chức XTTM tại nước ngoài, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào mạng lưới phân phối ở nước ngoài. Tại hội nghị, chúng tôi đã ký được biên bản ghi nhớ với Công ty H-SULPHUR của Hàn Quốc.
Chương trình đã giúp các DN trong khu vực kết nối, trao đổi, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách trong nước và quốc tế. Đây được đánh giá là hoạt động XTTM cấp khu vực quan trọng và tại hội nghị đã có 18 lượt ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các DN Hàn Quốc với các DN Việt Nam, trong đó, Ninh Thuận 15 lượt, Khánh Hòa 1 lượt, Bình Định 2 lượt.
Gian hàng trưng bày tại Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa các tỉnh Khu vực Nam Trung Bộ và các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024. Ảnh: Hồng Nguyệt
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc ITTC Ninh Thuận, cho biết: Thông qua các hoạt động XTTM, tạo cơ hội cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ các sản phẩm, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và đặc biệt là sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, giúp người dân được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chất lượng, đặc trưng do các DN trong tỉnh sản xuất và phân phối. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch cũng được ITTC Ninh Thuận chú trọng triển khai, trong 9 tháng đầu năm, ITTC Ninh Thuận đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với quy mô hơn 520 đại biểu tham dự; tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho 7 dự án và ký kết bản ghi nhớ 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng; tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiếp đón và làm việc với trên 20 lượt nhà đầu tư, các đoàn công tác trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước đến Ninh Thuận tìm hiểu tiềm năng, lợi thế và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. Qua đó mời gọi đầu tư vào các dự án tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam như: Cảng, kho xăng dầu, khu công nghiệp,... và các dự án du lịch, năng lượng khác. Đồng thời, tổ chức các sự kiện xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch đối với các nước có lượng khách du lịch lớn và tiềm năng như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Hà Lan, Đức.
Thời gian tới, ITTC Ninh Thuận tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đề ra đến cuối năm 2024. Đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức XTTM, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm chủ lực địa phương. Tăng cường tuyên truyền, định hướng cho các DN tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, tăng cường tiêu thụ nông sản qua các kênh liên kết, ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.
Hồng Nguyệt