Chia sẻ tại tọa đàm “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 24/10, ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, sản xuất xanh là xu thế tất yếu với tất cả các ngành, riêng phân bón là một trong những vật tư nông nghiệp quan trọng nhất của ngành nông nghiệp. Nếu xét theo FAO (Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc), phân bón chiếm khoảng 40 - 70 % giá trị đầu vào. Khi nói tới sản xuất xanh, tức là gắn với nông nghiệp xanh, đầu vào phải tiết kiệm được năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên và đầu ra phải đảm bảo môi trường, phải bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng phân bón lãng phí. Theo thống kê của của tổ chức Hiệp hội phân bón thế giới (IFA), trên thế giới, bình quân dùng khoảng 135 - 140 kg/ha, ở Việt Nam sử dụng tới 400 kg/ha. Để sản xuất xanh, giảm khí thải nhà kính, doanh nghiệp cần phải quan tâm tới sản xuất các loại phân bón hiệu suất cao, hữu cơ, vi sinh… để hướng vào sản xuất xanh.
Các khách mời tham dự toạ đàm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Tập đoàn hóa chất đã tập trung sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu, xử lý chất thải và tái chế… để thực hiện “xanh hoá” trong sản xuất.
“Khi thực hiện 'xanh hóa' trong sản xuất, doanh nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả, Công ty Cao su Đà Nẵng là một trong những đơn vị tiên phong trong Tập đoàn đã xây dựng nhà máy tái chế lại lốp công suất là 110.000 lốp/năm và đang hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong Tập đoàn đã hợp chuẩn, hợp quy và đã sử dụng trong các ngành công nghiệp khác. Đặc biệt, chất thải thạch cao, diếp săm tập đoàn và các đơn vị thành viên cơ bản đã được tái chế và sử dụng cho các ngành công nghiệp khác”, ông Phùng Ngọc Bộ cho hay.
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, xanh hóa công nghiệp còn là một khái niệm khá mới và cũng chưa có một định nghĩa cụ thể tại bất cứ một quy định văn bản pháp luật nào. Do đó, cũng chưa có quy định cụ thể nào nên kể cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong thực hiện.
“Chúng ta chưa có quy định cụ thể xanh hóa là gì, phải thực hiện ra sao, nên việc đưa ra các những chính sách và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn chưa cụ thể. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam có những chủ trương hướng tới xanh hóa công nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng. Thế nhưng, việc áp dụng hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ”, bà Nguyễn Thanh Phương cho biết.
Trong thời gian tới để thúc đẩy xanh hóa các ngành công nghiệp nói chung và ngành hóa chất nói riêng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật về các nội dung về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương…
Đặc biệt, Bộ cũng tập trung xây dựng, triển khai Đề án xanh hóa công nghiệp giai đoạn đến năm 2030. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung cơ bản liên quan đến xanh hóa các ngành công nghiệp như khái niệm xanh hóa công nghiệp, bộ chỉ tiêu xác định mức độ xanh hóa của các ngành công nghiệp để đánh giá thực trạng xanh hóa công nghiệp, từ đó, xác định những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay, để đề xuất các giải pháp, chính sách mới phù hợp trong việc thúc đẩy xanh hóa các ngành công nghiệp tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.
Theo baotintuc.vn