Sau khi tốt nghiệp đại học với đề tài nghiên cứu về ứng dụng phân trùn quế vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), anh Lê Minh Vương luôn khao khát đưa những nghiên cứu, sáng chế của mình áp dụng vào cuộc sống thực tế, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Lê Minh Vương bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê với con trùn quế, một “cỗ máy” cải tạo đất và xử lý phân bón hoàn toàn tự nhiên. Anh cho biết: Con trùn quế rất dễ nuôi, chỉ cần tạo môi trường có bóng mát và tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp để làm thức ăn cho trùn. Lượng đất sau khi được trùn quế xử lý sẽ thành phân bón tự nhiên giàu dinh dưỡng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...
Sau 10 năm tìm hiểu và tích góp, anh Vương đã xây dựng Farm NNTH với mô hình vườn - ao - chuồng, diện tích 4.000m2 ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải để mọi người cùng đến tham quan, học hỏi và trải nghiệm mô hình NNTH ngay trên quê hương của mình. Tại đây, các chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này, là đầu vào của quá trình khác thông qua các bước xử lý nhờ trùn quế. Tất cả sản phẩm nông nghiệp đều được sản xuất khép kín, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo môi trường nông thôn trong sạch. Anh Vương cho biết, đối với 100m2 có thể thả nuôi 4 tấn trùn sinh khối (gồm: phân trùn, kén trùn, trùn bố, mẹ...). Sau khoảng 3-4 tháng người nuôi chỉ cần gạt 5cm đất mặt để thu hoạch. Sản lượng sau thu hoạch có thể đạt từ 8-12 tấn sản phẩm từ trùn quế như: Trùn thịt, phân trùn, đất đã được trùn quế xử lý thành phân bón tự nhiên.
Anh Lê Minh Vương (bên phải) hướng dẫn khách đến tham quan Farm nông nghiệp tuần hoàn với mô hình vườn-ao-chuồng ở thôn Tân Sơn 1.
Việc bón phân trùn quế sẽ giúp người nông dân tiết kiệm chí phí, hạn chế bón phân hóa học, đất được cải tạo tăng độ tơi xốp và giàu dinh dưỡng hơn, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao so với sản xuất truyền thống. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân...
Sản phẩm đất được trùn quế cải tạo được anh sử dụng bón cho rau xanh và cây ăn trái. Trùn sống được chế biến thành thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc chế biến thành dịch trùn quế sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, anh cũng là một trong những cổ đông của trang trại nuôi trùn quế quy mô lớn 10.000m2 ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), mỗi năm xuất bán hơn 600 tấn phân trùn quế ra thị trường, mang lại thu nhập ổn định từ 20-50 triệu đồng/tháng.
Với niềm đam mê với trùn quế và dự án NNTH, nông dân trẻ Lê Minh Vương đã tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp và đạt được nhiều thành tích như: Giải Nhì dự án khởi nghiệp 2015 - Mô hình cải tạo bùn thải ao nuôi tôm thẻ chân trắng làm phân bón và nuôi trùn quế; giải Nhất Cuộc thi dự án khởi nghiệp Ninh Thuận 2023 do Tỉnh đoàn Ninh Thuận tổ chức với dự án NNTH ứng dụng và trùn quế; giải Khuyến khích Cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc do Trung ương Đoàn tổ chức với dự án NNTH ứng dụng... Đây là động lực để Farm NNTH của anh nỗ lực hơn nữa để phát triển và lan tỏa những giá trị xanh đến với nhiều người hơn.
Cơ Nguyên