Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phước Hải (Ninh Phước) được đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: A.Tuấn
Đổi mới cách làm kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi về một số địa phương trong tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống và chứng kiến bao sự đổi thay, nhiều vùng đất cằn cỗi, hoang hóa khó sản xuất giờ đây đã được phủ xanh bằng những cây trồng xanh tươi tốt, tạo nên bức tranh làng quê sinh động, trù phú. Xã An Hải (Ninh Phước) nằm cuối hạ lưu Sông Dinh, phần lớn diện tích canh tác là đất cát, khả năng giữ nước kém, với sự định hướng, hỗ trợ thiết thực của chính quyền xã, người dân mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng tiết kiệm nước vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu. Ông Não Văn Tịnh, ở thôn Tuấn Tú, chia sẻ: Trước đây trên 3 sào đất, gia đình trồng nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng hầu hết cho năng suất thấp, do không chủ động nước tưới. Sau khi học hỏi mô hình tưới tiết kiệm, năm 2018, tôi đầu tư 15 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phục vụ sản xuất măng tây xanh và đậu phộng, cho hiệu quả rõ rệt, nước được tưới thường xuyên với lượng vừa đủ giữ ẩm cho cây trồng, nhờ đó năng suất luôn đạt khá và không bị chết khô vào mùa nắng nóng.
Ngược lên vùng miền núi Ninh Sơn, Bác Ái, đời sống vùng đồng bào DTTS cũng có bước phát triển mới. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của cấp trên, các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo với các mô hình nổi bật. Điển hình như xã vùng cao Phước Bình (Bác Ái), nếu như trước đây, toàn xã chỉ có vài chục ha cây trồng chủ yếu là bắp, đậu xanh sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, thì nay đã khác hẳn. Đặc biệt, từ khi có Chương trình 30a của Chính phủ cùng với nhiều chương trình, chính sách khác và sự đồng hành, sát cánh hỗ trợ của chính quyền địa phương, đời sống bà con Raglai có bước chuyển đáng kể. Nổi bật nhất là phong trào chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn dân cư, nông dân chủ động cải tạo đất, kết hợp nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước phát triển diện tích cây ăn quả trên 1.800ha, với các loại cây như: Bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối... Riêng 23ha bưởi da xanh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng, tạo niềm vui lớn cho người dân địa phương khi sản phẩm làm ra được xuất khẩu ra thị trường thế giới, mở ra hướng làm ăn mới cho vùng đồng bào.
Thu nhập từ cây bưởi da xanh góp phần thay đổi cuộc sống người dân xã Phước Bình (Bác Ái). Ảnh: Kha Hân
Toàn tỉnh Ninh Thuận có 32 DTTS, với 39.478 hộ, chiếm trên 24% dân số toàn tỉnh, thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2021 của Chính phủ về công tác dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, đề án, kế hoạch liên quan đến công tác dân tộc và miền núi. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai học tập, cụ thể hóa nhiệm vụ bằng các chương trình, nội dung hành động với mục tiêu cao nhất thúc đẩy nâng cao đời sống người dân. Theo đó, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành trung ương, tỉnh tập trung đầu tư, lồng ghép, bố trí nguồn vốn thực hiện hỗ trợ các mô hình sản xuất như: Trồng bắp lai, mì cao sản, các loại cây ăn quả; xây dựng 36 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây xanh, bắp, hành tím với diện tích khoảng 2.500ha ở các xã vùng dân tộc, miền núi. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm ước đạt trên 52.700ha, tổng đàn gia súc của 37 xã vùng đồng bào hiện có trên 300.000 con; đặc biệt, các hộ nằm trong diện hưởng lợi từ chương trình, dự án còn thành lập các tổ, nhóm liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đưa giá trị sản phẩm từng bước nâng cao. Cùng với đó, tổ chức giao rừng khoán quản cho 97 tổ cộng đồng, với diện tích hơn 135.000ha, đồng thời kết hợp triển khai mô hình chăn nuôi dưới tán rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giảm bình quân từ 3-4%/năm; số hộ khá, giàu ngày càng tăng.
Chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới
Qua gần 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các thôn, xã vùng đồng bào DTTS đã khoác lên mình diện mạo mới. Đặc biệt, lực lượng đảng viên, người có uy tín, chức sắc, chức việc trong cộng đồng được xem là nhân tố chủ lực trong công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, ý nghĩa của chương trình; nhờ đó, nhận thức về xây dựng NTM của người dân ngày càng được nâng lên, chủ động hơn trong việc tham gia hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng các tuyến đường giao thông cũng như công trình phúc lợi khác được triển khai trên địa bàn.
Điển hình tại xã Phước Kháng (Thuận Bắc), nơi sinh sống của đồng bào Raglai, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, tiêu chí về giao thông luôn được cấp ủy đảng, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở quy hoạch về hạ tầng giao thông, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, xã tăng cường vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức để rút ngắn thời gian hoàn thành tiêu chí này. Ông Katơr Buống, ở thôn Suối Le là tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến đất tại địa phương, khi xã phát động làm đường, ông không ngần ngại hiến 700m2 đất trồng bắp để làm đường. Chia sẻ với chúng tôi, ông Buống, cho biết: Con đường mới kiên cố, học sinh đến trường an toàn, bà con đi lại thuận tiện, mình đủ thấy vui rồi. Đáng ghi nhận hơn, mặc dù trên địa bàn còn nhiều hộ nghèo, thu nhập thấp nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất, lùi một phần diện tích sản xuất vì lợi ích chung của cộng đồng, không tính toán thiệt hơn như hộ Katơr Cương, Chamaléa Nhúm, Chamaléa Chiêm...
Hệ thống giao thông xã Phước Kháng (Thuận Bắc) được đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Ảnh: H.Lâm
Quá trình xây dựng NTM với chủ trương đúng đắn, thiết thực phù hợp, đáp ứng nguyện vọng nên được đông đảo bà con hưởng ứng, tạo sự lan tỏa rộng khắp. Kết cấu hạ tầng, các chính sách đầu tư đã đem lại nhiều kết quả hết sức khích lệ, mức độ thụ hưởng các công trình phúc lợi xã hội được tăng lên. Đến nay, hệ thống giao thông vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển nhanh chóng, với 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoặc nhựa hóa; mạng lưới điện các thôn, xã được ngành điện lực cải tạo, mở rộng, với tỷ lệ sử dụng đạt trên 99%, trên 96% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; các chính sách hỗ trợ nhà ở, trợ cấp cho học sinh nghèo đến trường, trợ giúp pháp lý, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào được quan tâm, chú trọng. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh khác như hỗ trợ xây dựng nhà ở; khai hoang, cải tạo và phục hóa 2.500ha đất sản xuất cho hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; xây mới, nâng cấp mở rộng công trình chợ nông thôn, thực hiện các dự án di dân chống sạt lở tại địa bàn có nguy cơ cao. Ông Trượng Thành Liêm, Bí thư Chi bộ thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) phấn khởi: Đồng bào DTTS trong tỉnh luôn nhận được sự chăm lo chu đáo từ trung ương tới địa phương, phát huy nguồn lực hỗ trợ, bà con ra sức thi đua làm ăn kinh tế, tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, gắn kết sâu đậm tình anh em giữa các dân tộc, củng cố niềm tin của bà con với Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Thông qua các chương trình, dự án đầu tư cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều chuyển biến; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chính sách dân tộc; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đối với các chương trình hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm đưa vùng DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Nhóm PV