Ông Lê Kim Hùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) tỉnh, cho biết: Cuộc thi được Liên hiệp hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tỉnh đoàn tổ chức hằng năm, nhằm hướng những hoạt động của tuổi trẻ vào những công việc hữu ích cho xã hội, nâng cao kiến thức về KHKT, rèn luyện kỹ năng sáng tạo từ thực tiễn, xây dựng ước mơ của các em trở thành những nhà sáng chế trong tương lai. Thông qua Cuộc thi, còn để phát hiện, bồi dưỡng và góp phần đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho tỉnh trong tương lai.
Năm nay, Ban tổ chức Cuộc thi đã tiếp nhận 101 mô hình, sản phẩm của HS các trường trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi, tăng 35,6% so với năm 2023. Chất lượng các mô hình, sản phẩm dự thi khá tốt, nhất là các mô hình, sản phẩm trên các lĩnh vực: Phần mềm tin học ứng dụng AI, thiết bị ứng dụng công nghệ, cảm biến tự động hóa... Hội đồng chấm thi đã làm việc nghiêm túc, công tâm, minh bạch. Ban tổ chức Cuộc thi đã có quyết định khen thưởng 32 mô hình, sản phẩm đoạt giải, bao gồm 2 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba và 15 giải khuyến khích; khen thưởng 3 tập thể có nhiều thành tích trong vận động HS dự thi và đạt nhiều giải thưởng; xét chọn 2 mô hình, giải pháp đoạt giải nhất, có tính sáng tạo và hiệu quả cao để đại diện cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Thuận tham gia Cuộc thi toàn quốc lần thứ 20 năm 2024 tại Hà Nội.
Ban tổ chức trao giải cho các học sinh tham gia cuộc thi.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) là tập thể đạt thành tích xuất sắc tham gia Cuộc thi lần thứ 18 năm 2024, với 4/7 mô hình, sản phẩm dự thi đoạt giải, bao gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba. Thầy giáo Phạm Văn Phú, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: Cùng với các kỳ thi chọn HS giỏi văn hóa các cấp, Cuộc thi được nhà trường quan tâm, xem là nhiệm vụ trọng tâm. Nhà trường nhận thức việc phát triển phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT là nền tảng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Hằng năm, lãnh đạo nhà trường đã kịp thời triển khai kế hoạch, thể lệ Cuộc thi tới HS; thành lập Ban giám khảo để đánh giá, xét chọn các mô hình, sản phẩm dự thi cấp trường theo yêu cầu, tiêu chuẩn của cuộc thi cấp tỉnh. Các mô hình, sản phẩm được chọn thi cấp tỉnh được nhà trường phân công giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ chu đáo để HS hoàn thiện, nâng cao chất lượng trước khi nộp dự thi. Để động viên, khích lệ tinh thần HS tham gia, nhà trường cũng tổ chức nghiêm túc công tác tuyên truyền, tuyên dương, khen thưởng các giải pháp đạt giải cấp trường và tiếp tục khen thưởng các giải pháp đạt giải cấp tỉnh. Đối với các giải pháp hay, tốn kém nhiều tiền, đặc biệt là các giải pháp được chọn dự thi cấp quốc gia, nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí từ quỹ khuyến học. Ngoài ra, để bù đắp những lỗ hổng kiến thức khi HS tập trung thời gian làm đề tài dự thi, nhà trường lập một thời khóa biểu để dạy bù... Nhờ vậy, trong 3 năm liên tục (2022, 2023, 2024), nhà trường duy trì số lượng mô hình, sản phẩm dự thi cấp tỉnh nhiều so với các trường khối THPT; nhiều đề tài có tính thực tiễn cao và đã có giải pháp được chọn tham gia Cuộc thi cấp toàn quốc.
Em Nguyễn Trung Nguyên, HS lớp 10 Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đại diện nhóm tác giả đoạt giải Nhất Cuộc thi với mô hình “Hệ thống phân loại táo tự động”, chia sẻ: Chúng em cảm thấy rất vui khi được trao giải Nhất và cũng trân trọng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh, Ban tổ chức Cuộc thi đã tạo ra sân chơi sáng tạo, bổ ích dành cho HS các cấp. Với em, đây là cuộc thi uy tín, chất lượng, không chỉ giúp HS phát huy tính sáng tạo, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, mà còn là sân chơi để thanh thiếu niên, nhi đồng giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Trong thời gian qua, nhiều nhà trường, giáo viên đã quan tâm triển khai, xây dựng thường xuyên phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT trong nhà trường; có nhiều HS tham gia dự thi; có nhiều đề tài, sản phẩm có chất lượng, hiệu quả cao, đạt giải cao trong cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, một số trường chưa quan tâm triển khai phong trào; không có đề tài, sản phẩm dự thi; một số trường phong trào giảm sút; nhiều đề tài, sản phẩm chưa có tính mới, tính sáng tạo, một số chưa có khả năng áp dụng vào thực tiễn... Thời gian tới, Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường quan tâm triển khai phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT từ đầu năm học, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đưa vào nội dung, tiêu chí đánh giá thi đua; tổ chức phát động, vận động, thúc đẩy phong trào trong nhà trường, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ KHKT trong HS; phân công giáo viên hỗ trợ, giúp đỡ HS, nhất là trong việc hình thành ý tưởng, tư vấn vận dụng kiến thức các môn học; gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ trong các đề tài, sản phẩm; bổ sung, điều chỉnh các sản phẩm để dự thi các cuộc thi khác nhau; biểu dương, khen thưởng cán bộ, giáo viên, HS tích cực tham gia và có mô hình, sản phẩm đoạt giải...
Lâm Anh