Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp bám sát triển khai thực hiện. Trọng tâm là tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp để đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục các nghị quyết, kết luận, chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về chủ động ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái; hướng đến đạt mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa các-bon.
Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Agribank Ninh Thuận tham gia trồng cây xanh và làm sạch môi trường
tại khu vực biển xã Mỹ Hòa (Ninh Hải). Ảnh: Kha Hân
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm số lượng, chất lượng, đủ năng lực, có tính kế thừa, ổn định, đáp ứng yêu cầu công tác ứng phó với BĐKH, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT trong tình hình mới. Triển khai đầy đủ, toàn diện Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,... Tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp với pháp luật và tình hình thực tiễn để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, các cơ chế quản lý tổng hợp, điều phối các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực... Đổi mới cơ chế quản lý, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, cân đối, bố trí đủ kinh phí cho công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng trong các ngành, lĩnh vực; tập trung nguồn lực giải quyết các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái. Thúc đẩy phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực, ở từng cấp độ; đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn và hành động tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển mạnh sang phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế khuyến khích và tạo cơ chế tài chính thu hút các dự án đầu tư xanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi cấu trúc quản lý, đổi mới, tiếp cận công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.
Thường xuyên cập nhật kịch bản, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với BĐKH. Chủ động dự trữ nguồn lực cho các hoạt động khắc phục, tái thiết và phát triển trở lại trạng thái bình thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, BĐKH, ô nhiễm môi trường gây ra... Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên biển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đồng bộ, liên thông đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, bờ biển; thúc đẩy phát triển sản xuất cát nghiền nhân tạo, cát biển thay thế cát sỏi lòng sông; thúc đẩy khai thác gắn với chế biến sâu và thu hồi tối đa các loại khoáng sản. Xây dựng hệ thống thông tin, chuyển đổi số trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng; tăng cường trao quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Bảo đảm cung cấp nước sạch cho nhân dân; nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư; tăng cường kiểm soát các nguồn thải, giám sát chất lượng môi trường nước, môi trường không khí. Xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát triển ngành công nghiệp tái chế; đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp; giảm thiểu rác thải nhựa...
Về nhiệm vụ cụ thể, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả Kết luận 81 và Kế hoạch số 331-KH/TU; tăng cường giám sát việc thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn quán triệt và định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Kết luận 81, Kế hoạch số 331-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan.
Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng, thực hiện chính sách liên quan; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT với sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể, tiến độ, lộ trình thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, hiệu quả Kết luận 81 và Kế hoạch số 331-KH/TU gắn với chủ trương, chính sách có liên quan của trung ương, của tỉnh. Thường xuyên rà soát các chủ trương, chính sách có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng tình hình thực tiễn. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết báo cáo Bộ Chính trị theo quy định.
Linh Giang