Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn, mới đạt hơn 38,8% kế hoạch. Với mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95-100% kế hoạch đề ra theo tinh thần Công điện số 24/CĐ-TTg, đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực cao của các cấp, ngành, địa phương trong thời gian tới.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 14/7/2024 đạt 38,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (1.075,8/2.775,5 tỷ đồng) và tăng 27% so cùng kỳ, trong đó vốn trong nước đạt 40,5% (815,8 tỷ đồng/2.016 tỷ đồng); vốn nước ngoài đạt 34,2% kế hoạch (260 tỷ đồng/759,5 tỷ đồng). Nhìn chung, tỷ lệ giải ngân của tỉnh hiện đang cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước, song thấp hơn so kế hoạch giải ngân của tỉnh đã đề ra.

Đường nối từ thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: H.Lâm

Đơn cử như một số dự án chậm tiến độ, khó giải ngân hết nguồn vốn cần được tập trung tháo gỡ đó là: Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Dự án được Thủ tướng Chính phủ cơ cấu giao tối thiểu kế hoạch năm 2024 là 370 tỷ đồng, tuy nhiên dự kiến giải ngân đến cuối năm 150 tỷ đồng, còn lại 220 tỷ đồng. Do dự án đang vướng công tác giải phóng mặt bằng, đặt biệt là tổ chức đấu giá tận thu lâm sản, mất nhiều thời gian, dự kiến đến tháng 11/2024 mới hoàn thành. Mặt khác, tại phân đoạn vướng mặt bằng có địa hình rừng, núi phức tạp, điều kiện thi công khó khăn, bắt đầu vào mùa mưa, tình hình thời tiết đến cuối năm diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công. Do đó hiện nay UBND tỉnh đang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh giảm số vốn bố trí kế hoạch 2024 cho dự án 220 tỷ đồng để điều chỉnh tăng cho các dự án của tỉnh đang triển khai có nhu cầu bổ sung vốn.

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế do các nguyên nhân như: Công tác đền bù giải phóng mặt bằng, là điểm nghẽn, làm chậm tiến độ dự án, nhất là công tác chuyển đổi đất rừng, chính sách bồi thường có nhiều thay đổi, làm tăng chi phí đầu tư dự án, ảnh hưởng đến điều hành nguồn vốn đầu tư công. Quy trình và thủ tục quản lý, sử dụng vốn phức tạp, thực hiện dự án qua nhiều bước, từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án, thiết kế, lựa chọn nhà thầu. Nguồn thu sử dụng đất còn khó khăn, do tình hình bất động sản trầm lắng ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách địa phương... Điều này đã tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công của tỉnh.

Đẩy nhanh thực hiện dự án đường vành đai phía Bắc góp phần giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024.

Xác định công tác giải ngân là động lực cho phát triển các ngành kinh tế, góp phần giữ vững đà tăng trưởng năm 2024, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư các dự án trong công tác giải ngân cao điểm ở những tháng cuối năm. Đồng chí Lê Kim Hoàng cho biết thêm: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm, trách nhiệm cao nhất, tranh thủ thời gian trước mùa mưa lũ, tăng ca làm việc; có kế hoạch chi tiết cho từng công trình từ nay đến hết ngày 31/12/2024. Theo dõi tiến độ thực hiện, kiểm tra, giám sát hằng ngày tại công trường; Tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các đơn vị nhà thầu nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết kịp thời, đẩy nhanh tiến độ dự án. Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn; quyết liệt đẩy nhanh thủ tục để kịp thời giải ngân vốn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án.

Với sự chủ động, quyết liệt, bám sát các công việc cụ thể, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo mục tiêu hoàn thành giải ngân vốn theo đúng kế hoạch, góp phần quan trọng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.