Những nông dân làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

Câu chuyện làm giàu từ nông nghiệp không còn xa lạ, số lượng các “tỷ phú” đi lên từ ngành nông nghiệp ngày càng nhiều và hiện diện khắp các địa phương. Dẫu mỗi người khởi nghiệp với một mô hình khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là chọn nông nghiệp công nghệ cao (CNC) để đầu tư phát triển kinh tế.

Anh Đinh Công Vàng ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) làm giàu với mô hình dưa lưới CNC. Trước đây anh Vàng vốn là thương lái “buôn dưa” và đã có thâm niên 10 năm gắn bó với công việc này. Trong từng ấy năm, anh nhận ra tiềm năng lớn về thị trường của sản phẩm dưa lưới, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Do vậy, tuy nghề thương lái cũng giúp gia đình anh ổn định cuộc sống nhưng anh Vàng vẫn luôn ấp ủ kế hoạch xây dựng một trang trại trồng dưa lưới CNC.

Theo anh Vàng để đầu tư trồng dưa lưới thành công thì không thể trồng theo kiểu truyền thống như dưa hấu hay các loại dưa khác, mà bắt buộc phải đầu tư CNC. Nhưng vốn đầu tư ban đầu lại không hề nhỏ. Đến cuối năm 2022, khi đã tích lũy được một khoản vốn từ công việc buôn bán, anh mạnh dạn vay vốn của ngân hàng. Khi có kế hoạch rõ ràng, phương án sản xuất theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC nên được Ngân hàng Agribank chi nhánh Ninh Sơn tạo điều kiện cho vay 1,7 tỷ đồng. Anh đầu tư 3 nhà màng trên diện tích 7.000m2 với hệ thống tưới nước tự động, bón phân tự động... để sản xuất dưa lưới.

Trang trại dưa lưới của anh Đinh Công Vàng ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn).

Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật và áp dụng một cách bài bản vào sản xuất, ngay ở vụ dưa lưới đầu tiên, anh Vàng thu được gần 12 tấn dưa lưới cho mỗi nhà màng. Điều đặc biệt, nếu như ở huyện Ninh Sơn, người khác trồng dưa lưới chỉ cho năng suất khoảng 3,5 tấn với lợi nhuận khoảng hơn 60 triệu đồng/nhà màng (1.000m2), thì vườn dưa lưới nhà anh Vàng lại cho năng suất cao hơn hẳn, với lợi nhuận tới 90 triệu đồng/1.000m2. Hiện tại, sản phẩm dưa lưới Vàng Trâm (đạt OCOP 3 sao) của anh đã được các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra nên không lo “ế”. Ngoài sản lượng dưa thu hoạch tại trang trại của gia đình, anh vẫn tiếp tục thu mua dưa lưới từ gần 20 trang trại, nông hộ ở Ninh Sơn và Bác Ái để cung cấp đủ cho đối tác với tổng sản lượng 50-60 tấn/tháng.

Vừa làm nông dân vừa làm thương lái nhưng anh Vàng vẫn chủ động về thời gian. Anh cho biết: Nhờ hệ thống tưới nước, bón phân tự động, hệ thống giám sát nhiệt độ và công nghệ thông tin đã giúp tôi tiết kiệm thời gian và công lao động. Dù đang ở nhà, ở trang trại người khác, ở quán cà phê hay ở bất cứ nơi nào, chỉ cần mở điện thoại, kết nối mạng 4G hay qua wifi, mở app lên là tôi đều có thể giám sát được mọi hoạt động ở trang trại hay thực hiện các công việc tưới nước, bón phân, canh chỉnh nhiệt độ... Theo anh Vàng, nhu cầu tiêu thụ dưa lưới đang rất lớn nên muốn tiếp cận được với các công ty chuyên kinh doanh trái cây thì đảm bảo được sản lượng cung cấp từ 150-200 tấn/tháng. Do đó, anh đang ấp ủ những kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất dưa lưới CNC nhằm nâng cao sản lượng trong thời gian đến.

Cũng trên địa bàn xã Lương Sơn, chúng tôi tìm đến trang trại trồng chanh tươi không hạt xuất khẩu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của anh Dương Đình Hiển ở thôn Tân Lập 2. Câu chuyện đến với nông nghiệp của anh khá thú vị, bởi trước đây cả hai vợ chồng làm rất nhiều nghề từ buôn bán, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, làm đồ mỹ nghệ. Từ quê Lâm Đồng, hai vợ chồng anh xuống Ninh Thuận lập trang trại làm nông nghiệp chỉ với mong muốn có công việc dưỡng già sau này. Ngoài 40 tuổi, anh khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp, từng trồng nhiều loại cây nông sản khác nhau nhưng hiệu quả không như mong muốn. Anh Hiển kể: Nhớ lại thời điểm năm 2017, tôi đầu tư thuê 30ha đất ở huyện Ninh Sơn để trồng khoai lang Đà Lạt nhưng đến lúc thu hoạch thì khoai bị rụng lá và hư, bán không ai mua. Sau lần đó, tôi chuyển sang trồng chuối Nam Mỹ, nhưng đến vụ thu hoạch cũng chịu chung số phận như khoai lang khiến vợ chồng tôi hầu như mất trắng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Không cam chịu thất bại, anh quyết tâm làm lại với mô hình khác và tìm đến cây trồng mới hiệu quả hơn. Anh chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ hai lần thất bại trước nên tôi tìm hiểu rất nhiều từ cách làm thực tế của nhiều nông hộ miền Tây và học thêm trên internet. Qua thời gian nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và tìm hiểu thị trường, tôi quyết định học hỏi mô hình trồng chanh không hạt để xuất khẩu theo hướng bền vững, tôi liên kết trồng chanh với công ty xuất khẩu nước ngoài để đảm bảo đầu ra.

Chọn đi theo hướng xuất khẩu thì sản phẩm phải đáp ứng hai yếu tố cơ bản là đạt yêu cầu về chất lượng và sản lượng vùng nguyên liệu lớn. Do đó, năm 2019 anh Hiển đưa cây chanh không hạt về trồng tại Ninh Thuận với diện tích 27ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Mỗi ha chanh anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng, cây chanh không hạt được trồng theo hàng với mật độ 400 cây/ha và được phân thành từng lô để dễ chăm sóc, thuận tiện đưa máy móc vào quá trình canh tác, thu hái cũng như theo dõi, đánh giá chất lượng sản phẩm từng lô sau thu hoạch.

Nông trại của anh Hiển đã ký hợp đồng với công ty chuyên thu mua chanh không hạt xuất khẩu sang thị trường Hà Lan tại thành phố Cần Thơ nên không lo về đầu ra và giá cả. Bình quân mỗi tháng anh thu vào khoảng 600 triệu đồng, trừ hết chi phí lãi ròng hơn 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại còn giải quyết việc làm cho 12 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Lợi nhuận cao đi kèm với yêu cầu khắt khe hơn, đòi hỏi quả chanh không hạt cũng phải đạt được chất lượng nhất định mới đáp ứng được thị trường châu Âu. Theo đó, nông dân phải đáp ứng nhu cầu của công ty, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục mà công ty yêu cầu. Ngoài ra, trọng lượng quả chanh khi thu hoạch phải đạt chuẩn từ 50-100gr mới đạt yêu cầu. Đáp ứng những tiêu chuẩn trên thì người trồng chanh không phải lo đầu ra và giá cả. Chanh đạt yêu cầu, mỗi ký chanh xuất bán sang Hà Lan còn được công ty hỗ trợ lại 1.000 đồng/kg tiền sản phẩm sạch. Với số tiền trên cũng đủ để trả tiền nhân công, giúp người trồng yên tâm hơn, không còn sợ được mùa mất giá, được giá mất mùa..., anh Hiển chia sẻ thêm.

Những người thành công từ nông nghiệp ít nhiều cũng phải trải qua thất bại, con đường đến thành công không chỉ có quyết tâm, vốn hay tư liệu sản xuất mà quan trọng hơn là phương pháp thực hành nông nghiệp sạch, phải biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất, phải liên kết sản xuất. Dù là ai, ở bất cứ đâu hay độ tuổi nào nhưng khi đến với nông nghiệp CNC, tất cả đều kiên trì theo đuổi, chịu khó học hỏi tích lũy kinh nghiệm, thay đổi tư duy sản xuất để thực hành nông nghiệp sạch.

Một thực tế đáng mừng hiện nay là số lượng nông dân sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh đang gia tăng số lượng và ngày càng trẻ hóa. Cùng với các chính sách hoạch định, khuyến khích của Đảng, Nhà nước, các cấp, ban, ngành và địa phương đang tích cực hỗ trợ toàn diện cho các chủ thể đầu tư vào nông nghiệp CNC. Đáp lại thành quả đó, một lực lượng không nhỏ nông dân 4.0 đã và đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cùng với địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.