Để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Kế hoạch số 1556/KH-BCĐ ngày 10/4/2024, hiện các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; UBND các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP và đang tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống theo phân công, phân cấp cụ thể, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATTP cho các cơ sở, đơn vị kinh doanh.
Đến thời điểm này, Đoàn thanh tra ngành Y tế đã tiến hành thanh tra 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Kết quả bước đầu ghi nhận các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định về ATTP trong SXKD thực phẩm. Đoàn thanh tra đề nghị các cơ sở tiếp tục duy trì điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ và thường xuyên cập nhật kiến thức ATTP cho nhân viên trực tiếp SXKD thực phẩm nhằm góp phần bảo đảm ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đoàn Thanh tra liên ngành an toàn thực phẩm của Sở Y tế kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, kinh doanh thực phẩm đang lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng...
Cùng với thanh tra, kiểm tra, các sở, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về đảm bảo ATTP; biểu dương, quảng bá các mô hình SXKD thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật; nêu tên và địa chỉ các cơ sở SXKD không đảm bảo nhằm kịp thời cảnh báo cho người dân.
Theo ông Thành Trọng Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 4.945 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thuộc quản lý của ngành y tế. Trong đó, cấp tỉnh quản lý 95 cơ sở, cấp huyện quản lý 1.402 cơ sở và cấp xã quản lý 3.448 cơ sở. Mặc dù ngành đã có nhiều nỗ lực trong quản lý giám sát các vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP, tuy nhiên, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, khi nhiệt độ thời tiết luôn dao động mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, hiện nay tỉnh Ninh Thuận đang bước vào mùa cao điểm du lịch biển, nhu cầu ăn uống tăng cao, vấn đề ATTP càng được quan tâm.
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân cần chọn thực phẩm an toàn, nấu kỹ thức ăn, ăn ngay sau khi nấu, bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín, thức ăn đã được nấu chín cần đun kỹ lại trước khi ăn, không để lẫn thực phẩm sống và chín, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tay và các dụng cụ chế biến, khu vực chế biến phải luôn khô ráo, sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch...
Các cơ sở SXKD thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cần phải tuân thủ nghiêm việc đảm bảo điều kiện ATTP theo quy định như: Điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người và nguyên liệu, phụ gia thực phẩm. Đồng thời, đề cao trách nhiệm, đạo đức trong SXKD.
Ngọc Diệp