Người dân các xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa tin dùng hàng Việt

Những năm gần đây, nhờ giao thông thuận tiện, hệ thống phân phối các loại hàng hóa thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất ngày càng mở rộng ở các xã vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, mẫu mã và chất lượng các sản phẩm sản xuất trong nước đã và đang từng bước được cải thiện. Chính vì thế, người dân các xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ngày càng ưa chuộng các sản phẩm hàng Việt Nam.

Xã Phước Bình (Bác Ái) cách trung tâm Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hơn 60km, nơi đây chủ yếu bà con đồng bào dân tộc Raglai và Chu Ru sinh sống. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương, các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã đã đa dạng các mặt hàng cũng như hính thức kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng mừng là hầu hết các mặt hàng được bày bán tại đây đều là sản phẩm do các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất, với nhiều chủng loại và mẫu mã khá phong phú. Chủ tiệm tạp hóa Tâm Cường, thôn Bố Lang, xã Phước Bình, cho biết: Trước kia, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên người dân ở đây thường chỉ quan tâm đến giá cả, chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mấy năm trở lại đây, bà con thường tìm mua các sản phẩm do các công ty, DN trong nước sản xuất, bởi mẫu mã ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng tốt mà giá cả lại vừa túi tiền. Chính vì lẽ đó, hàng hóa nhập về để bán ở quầy hàng của tôi chủ yếu là hàng Việt, chiếm đến 80%.

Điểm bán hàng Việt tại huyện Ninh Sơn giúp người dân
khu vực nông thôn mua sắm hàng Việt dễ dàng.

Bà Pupur Thị Hính, thôn Gia É, xã Phước Bình, chia sẻ: Ngày trước muốn mua hàng tốt là phải ra tận chợ trung tâm huyện cách gần 20km. Nay nhiều cửa hàng tạp hóa trong thôn bán toàn hàng Việt Nam, tốt lắm, mua hàng bây giờ rất sợ hàng không đảm bảo sức khỏe, nên tôi phải lựa thật kỹ, hàng có tem có chữ Việt Nam sản xuất là yên tâm nhất, giá cả cũng vừa phải với chúng tôi.

Tại xã Ma Nới (Ninh Sơn), tranh thủ thời gian sau khi đi làm rẫy về, anh Pi Năng Hòa, ở thôn Gio, xã Ma Nới ra cửa hàng tạp hóa mua lương thực, thực phẩm như dầu ăn, nước mắm... Hầu hết các sản phẩm anh chọn mua đều là hàng sản xuất trong nước. Anh chia sẻ: Lâu nay gia đình tôi luôn chọn các sản phẩm hàng trong nước sản xuất để sử dụng, vì chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe, với lại mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Thu Diễm, chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn Ú, xã Ma Nới, cho biết: Người dân có mức sống ngày càng cao, họ rất chú trọng đến sức khoẻ và chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, khi mua thực phẩm, người dân xem rất kỹ nơi sản xuất và gần như chọn hàng hóa có xuất xứ sản xuất tại Việt Nam. Ở đây, hằng tuần có xe tải của các DN chở hàng nội địa từ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm lên giao hàng, thuận lợi hơn trước kia nhiều. Hơn nữa, tại trung tâm xã hằng tháng đều có chuyến hàng Việt về nông thôn nên bà con ở đây ai cũng tin và chọn dùng hàng nội quen rồi.

Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm đến hàng Việt có xu hướng ngày càng tăng. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm có mặt ở tất cả các thôn, xã chiếm 95% sản phẩm có nguồn gốc nội địa. Việc đưa hàng Việt đến các vùng, địa phương không có nhiều điều kiện về hệ thống phân phối để người dân tiếp cận hàng hóa là một trong những hoạt động trọng tâm của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ). Cũng qua những chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua sắm, sử dụng ưu tiên hàng Việt. Theo Sở Công Thương, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được tổ chức trong suốt những năm qua trên địa bàn tỉnh thu hút sự quan tâm, mua sắm của nhiều người dân, nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Bà Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Ban chỉ đạo CVĐ cho biết: Việc tổ chức các phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi không chỉ đơn thuần là đạt được doanh số bán hàng, mà quan trọng hơn là từng bước chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Không những thế, người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các DN trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Có thể thấy, hiệu ứng tích cực từ CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức trong tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước. Cùng với các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền CVĐ, các DN cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, phát triển hệ thống mạng lưới đại lý bán buôn, bán lẻ tới tận các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, từ đó chuyển dần từ ưu tiên sang tin dùng hàng Việt.