Căn cứ vào việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của BĐKH, Quỹ “Khí hậu xanh” viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã tài trợ triển khai Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ- tỉnh Ninh Thuận (SACCR - Ninh Thuận). Dự án triển khai vào tháng 4/2022, tại 15 xã trên địa bàn 4 huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải và Thuận Bắc. Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, bước đầu đạt được mục tiêu đề ra là tăng cường khả năng thích ứng của nông hộ nhỏ, dễ bị tổn thương đối với tình trạng mất an ninh nước do BĐKH.
Các hộ nghèo, cận nghèo xã Phước Kháng nhận vật tư nông nghiệp
để sản xuất vụ đông - xuân 2024. Ảnh: Cơ Nguyên
Dự án SACCR - Ninh Thuận có tổng mức đầu tư 143 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần. Hợp phần 1: Tăng cường an ninh nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của nông hộ quy mô nhỏ dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến động về lượng mưa và hạn hán do BĐKH. Hợp phần 2: Tăng khả năng chống chịu về sinh kế cho nông hộ nhỏ thông qua sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH và tiếp cận với thông tin khí hậu, tài chính và thị trường. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án, đến nay hợp phần 1 đã thi công hoàn thành 109 ao tích nước; đồng thời, thiết lập kết nối từ cơ sở hạ tầng thủy lợi tới ruộng của hộ nghèo và cận nghèo, giúp bà con đối phó với tình trạng biến động lượng mưa và hạn hán ngày càng tăng. Đối với hợp phần 2, Ban Quản lý dự án đã phối hợp cùng ngành chức năng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành triển khai các kế hoạch hạng mục của dự án theo đúng tiến độ đề ra. Qua đó, đã thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang biện pháp mang tính tổng hợp, áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch, chương trình của dự án trên địa bàn các xã: Xuân Hải, Tri Hải, Phương Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải), Phước Chiến, Phước Kháng, Lợi Hải, Bắc Sơn, Bắc Phong (Thuận Bắc). Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, đơn vị đã tiến hành mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất cho bà con. Cụ thể, đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ tiến hành triển khai 142 lớp tập huấn đồng ruộng FFS với 2.921 học viên tham dự. Nội dung tập huấn về quản lý đất và sinh khối, quản lý dịch hại tổng hợp, dinh dưỡng cây trồng... Tất cả các lớp tập huấn đều được tổ chức ngoài đồng ruộng, các hộ dân tham gia được trang bị nhiều kiến thức hữu ích phục vụ trong quá trình canh tác, như: Phân biệt các loại đất và kỹ thuật canh tác phù hợp với từng loại đất, lựa chọn loại cây trồng phù hợp, các biện pháp cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, dinh dưỡng cây trồng, cách ủ phân hữu cơ... Với những kiến thức đã được truyền đạt, hộ dân áp dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ các hộ dân tham dự các lớp tập huấn xây dựng bảng kế hoạch sản xuất nông hộ thích ứng với BĐKH và cấp phát vật tư nông nghiệp cho các học viên tham dự các lớp tập huấn thuộc đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo. Kết quả đã hỗ trợ lập bảng kế hoạch sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH cho 2.737 hộ dân; phối hợp với các ngành chức năng tiến hành cấp phát vật tư nông nghiêp cho 1.393 hộ nông dân với số vật tư nông nghiệp hỗ trợ hơn 1,8 tấn bắp lai VN8960, gần 1,2 tấn giống bắp lai NK7328, hơn 5,9 tấn giống bắp nếp địa phương, 114kg giống đậu xanh 208, hơn 103,7 tấn phân NPK 20-20-15, 82,6 tấn phân NPK 16-16-8, 82,4 tấn phân hữu cơ vi sinh, 119kg chế phẩm sinh học Trichchodema. Các hộ dân rất hài lòng về chất lượng vật tư, thời điểm nhận vật tư đúng thời vụ và địa điểm nhận vật tư thuận tiện. Qua kiểm tra, giám sát tại các địa phương được cấp phát vật tư nông nghiệp, các hộ dân đều sử dụng vật tư hiệu quả.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn tổ chức hội thảo về kiểm toán có sự tham gia về hỗ trợ vật tư nông nghiệp tại xã Bắc Sơn và xã Phước Kháng (Thuận Bắc) thu hút đông bà con tham dự. Tại hội thảo, nông dân được trao đổi ý kiến về vấn đề cấp phát vật tư nông nghiệp, cũng như được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng vật tư được cấp phát sao cho hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai 9 điểm học tập nông nghiệp chống chịu với BĐKH ở các xã thực hiện dự án. Tại mỗi điểm học tập, Trung tâm đã xây dựng các bảng thông tin tuyên truyền của dự án, triển khai các mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH có hiệu quả. Đơn cử, mô hình canh tác cây bắp nếp địa phương xen canh cây đậu ván tại xã Bắc Phong với diện tích thực hiện 0,3ha đã thu hoạch, sản lượng đạt 150kg bắp tươi, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg; cây đậu ván sản lượng thu được 1,4 tấn, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg. Tổng thu từ bắp xen đậu ván 36,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận 23 triệu đồng.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Sau thời gian ngắn thực hiện dự án đã mang lại kết quả tích cực, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với BĐKH đã được nhân rộng, giúp người dân nâng cao thu nhập. Thông qua hoạt động tuyên truyền nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, giúp người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo được nguồn sinh kế bền vững. Từ nay đến năm 2026, dự án tiếp tục thiết lập kết nối từ hạ tầng thủy lợi của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tới mặt ruộng của các hộ nông dân nghèo và cận nghèo; tập huấn sử dụng thiết bị tưới, bảo dưỡng hệ thống có thông tin về rủi ro khí hậu; xây dựng mới và nâng cấp ao, hồ nhỏ; tăng cường các hệ thống và thực hành canh tác thích ứng với BĐKH.
Anh Tùng