Đồng chí Hoàng Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Qua kết quả rà soát năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 4,32%, hộ cận nghèo 4,28%, giảm vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một trong những giải pháp quan trọng để địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững đó là tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép, phân bổ hợp lý các nguồn vốn, chương trình, dự án. Chỉ tính riêng trong năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện đã giải ngân trên 9 tỷ đồng triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình. Trong đó, phê duyệt 19 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tập trung vào những mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương. Điển hình như các mô hình hỗ trợ cây giống, con giống như nuôi bò sinh sản, vỗ béo; dê sinh sản; giống trồng cây ăn quả...
Gia đình chị Mang Thị Gái, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn)
vươn lên thoát nghèo nhờ phát triển mô hình chăn nuôi.
Ngoài ra, hộ nghèo còn được địa phương tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để có vốn phát triển kinh tế. Ông Phạm Văn Trường, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn, cho biết: Trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tạo điều kiện cho 4.669 lượt hộ vay, với số tiền 190,25 tỷ đồng. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đa phần người dân có ý thức phát triển kinh tế, trả nợ, lãi đúng hạn. Hiện tại, đơn vị tiếp tục bám sát chương trình, định hướng và mục tiêu phát triển KT-XH của huyện, trong đó chú trọng tới công tác giảm nghèo, đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo, cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng CSXH.
Đơn cử như trường hợp của gia đình chị Mang Thị Gái, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn. Là hộ nghèo của địa phương, trước đây gia đình chị sinh sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình và nhận thấy chị có ý chí vươn lên thoát nghèo, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho chị vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 50 triệu đồng. Có vốn, chị đầu tư làm chuồng trại, mua 2 con bò về nuôi sinh sản. Sau hơn 2 năm, chị đã hoàn trả dần nợ gốc cho ngân hàng, còn dư nợ 14 triệu đồng. Đến năm 2023, nhận thấy chị Gái chăn nuôi có hiệu quả, địa phương tiếp tục hỗ trợ chị tham gia Dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Hoàng Lê Ngọc Anh, cho biết thêm: Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng linh hoạt khai thác hiệu quả các chương trình, dự án, trong đó tập trung vào 3 chương trình MTQG, gồm: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo; chỉ đạo tập trung hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch các khu vực phát triển cây trồng, vật nuôi đặc thù; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở... Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện dưới 6%.
Kim Thùy