Hằng năm, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực ĐĐ; hướng dẫn thi hành Luật ĐĐ theo thẩm quyền; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý ĐĐ; tập trung lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, nhằm quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên ĐĐ; thực hiện cải cách thủ tục hành chính về ĐĐ trong quá trình giải quyết thủ tục, hồ sơ cấp huyện, xã; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký ĐĐ chi nhánh Ninh Phước xây dựng kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ). Cùng với đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ĐĐ, tài nguyên khoáng sản; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tranh chấp ĐĐ thuộc thẩm quyền... Nhờ đó, từng bước khai thác có hiệu quả nguồn lực ĐĐ để phát triển KT-XH ở địa phương.
Khu tái định cư thôn Long Bình, xã An Hải được đầu tư hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án.
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác quản lý ĐĐ trên địa bàn huyện Ninh Phước đó là công tác đăng ký ĐĐ, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã góp phần bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người có quyền SDĐ, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Đến nay, các xã, thị trấn đã thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký ĐĐ về số thửa và diện tích đúng quy định. Chỉ tính trong năm 2023, toàn huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho 348 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích trên 947.123m2. Trong đó, đất nông nghiệp là 912.497m2, đất ở là 34.625m2; nâng tổng diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đến nay là 14.748,19ha, đạt 96,15% so với diện tích cần cấp giấy chứng nhận trên địa bàn. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, đã cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho 123 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 184.776,81m2. Trong đó, đất nông nghiệp là 172.420m2, đất ở là 12.356m2. Qua đó, tạo điều kiện cho người SDĐ có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định, làm cơ sở giúp cho công tác quản lý ĐĐ ngày càng chặt chẽ, thuận tiện.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã phê duyệt, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn được huyện chú trọng; thực hiện tốt công tác công khai về quy hoạch, kế hoạch SDĐ, đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng... Qua đó, đã thông tin kịp thời các cơ chế, chính sách để người dân trên địa bàn biết và thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, huyện đã thực hiện các quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 7 công trình, dự án với diện tích đất thu hồi 8.006,2m2 đất của 83 hộ gia đình, cá nhân, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 1,896 tỷ đồng. Chuyển đổi mục đích SDĐ nông nghiệp sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân từ năm 2023 đến nay là 88 hồ sơ với diện tích cho phép chuyển mục đích SDĐ là 15.458,73m2. Tổ chức bán đấu gia 24 lô đất tại xen kẹt khu dân cư, Hợp tác xã Phú Quý thu ngân sách gần 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo và xử lý vi phạm về lĩnh vực ĐĐ được quan tâm đúng mức. Trong năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính về ĐĐ có 19 vụ, xử phạt với số tiên trên 116 triệu đồng...
Công tác quản lý đất đai tại Trung tâm huyện Ninh Phước ngày càng được cập nhật hoàn chỉnh hồ sơ địa chính. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng chí Ngô Khánh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về ĐĐ trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tham mưu giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, chuyển mục đích SDĐ, công tác bồi thường, hỗ trợ còn chậm trễ; việc khiếu nại, khiếu kiện về ĐĐ vẫn còn xảy ra... Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý ĐĐ, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 25/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả ĐĐ, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung giải quyết hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, chuyển mục đích SDĐ, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ được phê duyệt. Thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cập nhật hoàn chỉnh hồ sơ địa chính đối với các thửa đất đã đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ và quản lý chặt chẽ diện tích đất công ích, đất được Nhà nước giao để trồng rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp. Tổ chức bán đấu giá các thửa đất xen kẽ trong khu dân cư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Đẩy mạnh việc rà soát tình hình SDĐ công ích. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ĐĐ; thực hiện tốt công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân; tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các các trường hợp lấn chiếm, SDĐ sai mục đích tại các xã, thị trấn; phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, huyện về giải quyết các vụ tranh chấp ĐĐ trên địa bàn huyện.
Tiến Mạnh