Anh Nguyễn Hoàng Khanh- Khởi nghiệp từ xưởng may gia công

Với mong muốn tìm công việc ổn định tại quê nhà, sau nhiều năm làm công nhân may cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, từ những kinh nghiệm tích lũy được, năm 2022, anh Nguyễn Hoàng Khanh (ảnh) ở khu phố 3, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình mở xưởng may gia công chuyên về quần áo và đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng may, anh Khanh chia sẻ: Hiện nay xưởng chuyên may quần jean theo đơn đặt hàng của khách từ TP. Hồ Chí Minh. Khách hàng cung cấp vải đã cắt thành mẫu cho xưởng, sau đó nhân công trong xưởng sẽ ráp may, dập nút, đánh khuy,... thành mẫu quần jean hoàn chỉnh. Ba tháng cuối năm của Tết là thời điểm xưởng có lượng hàng tăng cao nhất. Trung bình 1 tháng xưởng sản xuất trên 7.000 sản phẩm, đem về doanh thu bình quân trên 200 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt từ 30-40 triệu đồng.

Anh Khanh chia sẻ: Ngày đầu lập nghiệp, anh được Chi đoàn Thanh niên thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) hỗ trợ, giới thiệu vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Sơn, cùng nguồn vốn tích cóp hơn 150 triệu đồng, kết hợp với mặt bằng sẵn có của gia đình, anh mở xưởng may với diện tích 100m2, đầu tư đầy đủ trang thiết bị với hệ thống máy may, máy cắt, máy vắt sổ, dập cúc, máy đính khuy... để hoàn thiện dây chuyền sản xuất theo đơn đặt hàng gia công các loại quần jean. Theo anh Khanh, dù khó khăn ban đầu từ nguồn vốn đầu tư máy móc, mua vật liệu, phải vay mượn thêm của người thân. Thế nhưng, nhờ tìm được đối tác mà xưởng đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định và sản xuất liên hoàn. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, xưởng may của anh còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Là người gắn bó với xưởng may từ những ngày đầu, nay là nhân công lành nghề, chị Nguyễn Phan Ngọc Linh, thôn Trà Giang, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) chia sẻ: Trước đây tôi làm công nhân cho công ty, phải đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về nhà, nên gặp nhiều khó khăn trong chăm lo cho gia đình. Nay có xưởng may gần nhà tôi mừng lắm. Ở đây chúng tôi được trả lương bằng việc may ăn công theo sản phẩm, tính ra bình quân mỗi ngày làm được từ 200.000-250.000 đồng. Làm gần nhà, không phải mất tiền thuê nhà trọ, không phải đi xa mà thu nhập ổn định, vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, Bí thư Chi đoàn Thanh niên thị trấn Tân Sơn cho biết: Anh Nguyễn Hoàng Khanh là tấm gương điển hình tiêu biểu trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, anh còn là một điển hình trong phong trào tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên địa bàn về tìm hướng đi mới trong khởi nghiệp.