Bác Ái là huyện nghèo, miền núi của tỉnh, có 9/9 xã là xã khu vực III với 38 thôn. Trong đó 35/38 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dân số toàn huyện có 8.183 hộ/33.997 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm 83,6%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khá đặc thù, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, KT-XH còn chậm phát triển. Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, huyện Bác Ái được phân bổ nguồn vốn hơn 242 tỷ đồng/34 dự án. Tính đến ngày 30/8, huyện đã giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 66 tỷ đồng; các nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn huy động khác trong năm 2024 đều được giải ngân đạt 100% kế hoạch. Nguồn lực đầu tư của chương trình góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ. Đến nay, 100% xã, thôn có các tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa, đảm bảo đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, tính kết nối cao, tạo động lực lan tỏa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế phát triển; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ học sinh mẫu giáo, tiểu học đến trường đạt và vượt kế hoạch đề ra; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 99,7% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 94,99% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người khoảng 23,6/30 triệu đồng đạt 78,66%; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân hằng năm 6,36/4%, đạt 159% kế hoạch đề ra.
Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giúp nhiều hộ dân ở huyện Bác Ái phát triển
các mô hình kinh tế.
Gia đình chị Patâu Axá Thị Nhuynh ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung trước đây đời sống gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, gia đình chị được hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản với số tiền 32 triệu đồng để phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, nhờ đó kinh tế gia đình dần ổn định. Chị Nhuynh, chia sẻ: Trong thời gian qua, gia đình tôi được hỗ trợ bò để chăn nuôi nên có thêm sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, vừa rồi bò đã đẻ bê con nên gia đình rất vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước đến bà con nghèo.
Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian đến huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG theo đúng mục tiêu, đối tượng và đúng nội dung chương trình, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện, nhất là đồng bào DTTS&MN, ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vùng DTTS&MN nhiều khởi sắc. Phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm của địa phương phù hợp với tình hình thực tế và phát huy lợi thế của địa phương, chú trọng lồng ghép các chương trình đầu tư trên địa bàn; giải quyết cơ bản các vấn đề đất ở, nhà ở, đất sản xuất..., các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, dạy nghề... tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ công cộng, phúc lợi xã hội. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận trong nhân dân và cán bộ trong thực hiện các chương trình MTQG; nâng cao vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, là trách nhiệm của mọi người dân, tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chính sách, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý vi phạm, chống thất thoát, nâng cao hiệu quả đầu tư...
Kha Hân