Phát huy vai trò thanh niên trong chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với lợi thế năng động, nhạy bén với công nghệ, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Bác Ái chủ động, linh hoạt, triển khai nhiều mô hình, hoạt động đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số (CĐS) tại địa phương, từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền và mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân.

Chị Chamaléa Thị Búng, Bí thư Huyện đoàn Bác Ái chia sẻ: Xác định CĐS bắt đầu từ chính trong tổ chức đoàn, từ đó lan tỏa đến ĐVTN và xã hội, các cấp đoàn từ huyện đến cơ sở tập trung đẩy mạnh ứng dụng số trong trao đổi thông tin quản lý, điều hành và tổ chức các phong trào, hoạt động đoàn, hội, đội, từng bước chuyển sinh hoạt, hoạt động của đoàn thanh niên lên môi trường số; hỗ trợ ĐVTN ứng dụng CĐS trong phát triển kinh tế và các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng... Thông qua việc thành lập trên mạng xã hội Facebook, Zalo nhiều nhóm, câu lạc bộ tư vấn khoa học - kỹ thuật, thanh niên lập nghiệp..., thu hút hàng trăm ĐVTN tham gia và tương tác sôi nổi. Từ đó tạo kênh thông tin trao đổi hữu hiệu, giúp các bạn trẻ thuận lợi trong việc tiếp cận hiệu quả với các chính sách, mở rộng cơ hội giao lưu, hợp tác trong khởi nghiệp, lập nghiệp.

Đoàn viên, thanh niên Bác Ái sử dụng hệ thống quét mã QR
di tích lịch sử cấp tỉnh đồn Tà Lú - Ma Ty.

Công trình di tích lịch sử cấp tỉnh đồn Tà Lú - Ma Ty thuộc xã Phước Đại, đồn Ma Ty thuộc xã Phước Thắng (Bác Ái) được “số hóa” là minh chứng sinh động, thể hiện sự tiên phong của tuổi trẻ Bác Ái trong CĐS, đưa hình ảnh quê hương vươn xa hơn. Không cần đi đến tận nơi, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR những tài liệu chính thống về di tích lịch sử cấp tỉnh đồn Tà Lú - Ma Ty đã hiển thị chân thực, sinh động. Sự nhanh chóng, thuận tiện ấy giúp nhiều người dân và du khách khá thích thú. Đây là công trình do Huyện đoàn Bác Ái thực hiện, với cách làm sáng tạo trên, giúp người dân và du khách có những trải nghiệm tốt cũng như hiểu hơn về giá trị lịch sử của điểm di tích mà không cần có người thuyết minh. Giờ đây những trang sử vàng được mở ra từ mã QR đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong lòng các bạn trẻ.

Cùng với việc “số hóa” sử vàng, ĐVTN là lực lượng xung kích tham gia các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và hỗ trợ cho người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ số. Toàn huyện hiện có 9 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) cấp xã và 38 tổ ở các thôn với 319 ĐVTN tham gia. Dù mới đi vào hoạt động nhưng các tổ CNSCĐ đã phát huy hiệu quả tích cực, được xem là những “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo CĐS. Mỗi tổ CNSCĐ tại các thôn có từ 5-10 thành viên, trong đó có lực lượng ĐVTN. Các tổ sẽ tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ cập nhật, nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng sử dụng các nền tảng số, hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân về các vấn đề liên quan công nghệ số và được triển khai theo phương thức đi từng ngõ, gõ từng nhà, trực tiếp hướng dẫn từng người dân theo cách “cầm tay chỉ dẫn”, để từ đó người dân dễ bắt nhịp hơn. Qua công tác tuyên truyền phổ biến về CĐS, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm CĐS, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống. Chị Katơr Thị Diếp, thôn Tham Dú, xã Phước Trung (Bác Ái) chia sẻ: Từ ngày tôi được tổ CNSCĐ trong thôn hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, đặc biệt là nhóm Zalo của thôn, tôi thấy rất hiệu quả. Thông tin đưa lên nhóm Zalo được truyền tải nhanh chóng, nên tôi có thể nắm bắt kịp thời lịch thông báo họp thôn, các chính sách cho người dân, các thành viên trên nhóm còn có thể thảo luận, chia sẻ. Bên cạnh đó, việc có mạng internet đã giúp tôi tra cứu những thông tin về việc chăn nuôi, sản xuất hiệu quả.

Không riêng gì chị Diếp, hơn một năm nay, chị Trần Thị Tuyết Nhung, xã Phước Bình (Bác Ái) không cần đến tận điểm thanh toán tiền điện như trước mà chủ động thanh toán trên điện thoại di động sau khi nhận được thông báo từ nhà cung cấp. Chị Nhung chia sẻ: Sau thời gian trải nghiệm thanh toán không sử dụng tiền mặt, tôi thấy được rất nhiều lợi ích từ phương thức này. Ngoài các loại chi phí cố định hằng tháng như tiền điện thoại, tiền nước, tiền học phí..., các khoản chi tiêu khác tôi cũng thanh toán bằng ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng hoặc quẹt thẻ ATM. Khi dùng ví điện tử thanh toán, không chỉ đỡ mất thời gian đi lại, chờ đợi tôi còn được tặng kèm các mã ưu đãi giảm giá, giúp tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Có thể thấy thông qua những tổ CNSCĐ giúp người dân tiếp cận những dịch vụ, thông tin dễ dàng hơn. Tính đến cuối tháng 11/2023, ĐVTN đã hỗ trợ 12.946 lượt người cài đặt app VNeID; hỗ trợ người dân thực hiện 10.365 dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính.

Với sự vào cuộc tích cực của ĐVTN các cấp, quá trình thực hiện CĐS diễn ra sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần giúp người dân vùng cao tiếp cận các dịch vụ tiện ích thuận lợi.