Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách

(NTO) Những năm gần đây, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, ngành Du lịch (DL) đang nỗ lực nhằm đa dạng hóa các sản phẩm DL để thu hút du khách. Đây chính là một trong những mục tiêu và cũng là động lực quan trọng để DL phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tại Hội nghị chuyên đề phát triển DL dựa trên thế mạnh đặc thù của tỉnh vừa được UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng tỉnh ta với tiềm năng phong phú để phát triển DL đặc thù. Tuy nhiên, đến nay, công tác quy hoạch, xây dựng tốt các sản phẩm DL đơn tuyến và liên tuyến, tăng cường sự hợp tác phát triển hệ thống sản phẩm có tính vùng, miền; công tác quảng bá xúc tiến và liên kết với doanh nghiệp lữ hành và các địa phương xung quanh phát triển các sản phẩm DL đặc thù là thế mạnh của tỉnh như DL biển, DL mạo hiểm, sinh thái, DL văn hóa tâm linh… chưa được chú trọng dẫn đến các tiềm năng, thế mạnh DL của tỉnh chưa được khai thác có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc phát triển các sản phẩm DL của tỉnh thời gian qua về cơ bản vẫn còn thiếu tính định hướng, tính quy hoạch và gắn kết. Hầu hết các sản phẩm DL chủ yếu mới chỉ tập trung ở một số trung tâm DL như Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Phước… Điều đó khiến cho các sản phẩm DL thiếu sự hấp dẫn. Để thu hút du khách, một trong những yếu tố không thể thiếu được đó là xây dựng thêm những sản phẩm DL mới độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của địa phương.

Du khách tham quan tại Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước). Ảnh: V.M

Ông Trương Trọng Nghĩa, thành viên quản trị Khu DL Amanơi, cho rằng: Ninh Thuận có nhiều tiềm năng nhưng ngành DL và tổ chức, cá nhân kinh doanh DL lại chưa khai thác hết hoặc chưa chọn đúng cách khai thác khách DL. Ông dẫn chứng, Khu DL Amanơi, khách luôn đặt kín phòng, một phần là do cách làm sáng tạo đã tạo ra các sản phẩm mới để thu hút du khách. Điển hình như, vừa qua, Khu DL Amanơi tiếp đón một gia đình Hoàng gia Arập đến tham quan, nghỉ dưỡng. Theo yêu cầu của Hoàng gia, khu Amanơi đã làm một tour DL hấp dẫn là thả vích con về biển. Đơn vị đã kết hợp với Vườn Quốc gia Núi Chúa bố trí cho gia đình hoàng gia này thả những con vích về biển. Chỉ hoạt động thiên nhiên này mà gia đình hoàng gia đó không những trở lại, mà còn giới thiệu rất đông khách VIP đến nghỉ dưỡng. Hay mới đây, nhằm phục vụ du khách nghỉ dưỡng tại Amanơi, đơn vị đã thuê một số nghệ nhân Chăm đến biểu diễn văn hóa Chăm trong khu DL, kết quả thật bất ngờ, nhiều du khách đã thay đổi lịch trình và lưu trú dài hơn để tìm hiểu, khám phá văn hóa Chăm tại Ninh Thuận.

Còn ông Lê Diệp Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist, cho biết: Năm 2017, công ty đưa hàng chục nghìn du khách đến Ninh Thuận, qua khảo sát 80% du khách đều muốn quay lại, điều đó minh chứng du khách rất thích Ninh Thuận. Tuy nhiên, ngoài những điểm DL đã khai thác, còn quá nhiều tiềm năng DL tạo thành các sản phẩm DL độc đáo đang “ngủ quên”. Ông dẫn chứng trên cung đường Phan Rang-Đà Lạt, nếu như Ninh Thuận có thể mở thêm các điểm dừng chân khám phá tại Khu nước nóng Sông Pha, Vườn trái cây Sông Pha kết hợp tham quan Thủy điện Đa Nhim…, không những giải quyết được điểm đến cho du khách, mà còn lưu giữ du khách, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng, tham quan ở Ninh Thuận.

Nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm DL, tạo thêm nhiều sản phẩm mới mang nét đặc trưng riêng có của Ninh Thuận đang là một trong những chiến lược phát triển DL trong những năm tiếp theo. Để định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm DL đến năm 2020, ngành DL đang xây dựng các sản phẩm DL trọng tâm gắn với các địa bàn trọng điểm về DL. Bên cạnh những khu vực DL trọng điểm được yêu thích, nhiều điểm đến đã được bình chọn là địa chỉ DL yêu thích như: Đèo Ngoạn Mục, Tháp Pô Klong Garai, vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Sơn-Ninh Chữ, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc… Với những đặc điểm nổi trội và phân bố về tài nguyên DL đặc thù, ngành DL hiện đang nỗ lực cùng với các địa phương tập trung nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm DL đặc thù như: DL sinh thái tìm hiểu các giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học hệ sinh thái gắn với sinh cảnh tiêu biểu ở Vườn Quốc gia Núi Chúa và Phước Bình, bãi tràn Mũi Dinh, vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái...; DL văn hóa trải nghiệm giá trị di sản văn hóa Chăm, Raglai tiêu biểu bao gồm cả đời sống sinh hoạt ở các làng nghề; DL thể thao mạo hiểm; DL trang trại với trải nghiệm về cảnh quan, tìm hiểu phương thức canh tác, chế biến các sản phẩm từ nho, táo, dê, cừu… Bên cạnh những sản phẩm DL văn hóa đặc trưng, nhiều giá trị văn hóa Chăm, Raglai như kiến trúc các di tích, lễ hội dân gian... và nghệ thuật ẩm thực sẽ được lồng ghép trong các thành phần của sản phẩm đặc thù để góp phần tạo nên bản sắc rất riêng cho DL Ninh Thuận.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Mục tiêu của tỉnh là phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng văn minh, văn hóa, chuyên nghiệp; tạo ra các điểm khác biệt, riêng có của DL Ninh Thuận. Việc xác định hệ thống sản phẩm DL, đặc biệt là DL đặc thù chính là yếu tố quan trọng trong nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Ninh Thuận. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp DL hoạt động hiệu quả. Tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng DL; đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến DL; kịp thời kết nối với các ngành chức năng để tìm hướng đi mới cho phát triển DL; mở rộng hợp tác liên kết hoạt động lữ hành kết nối tour; hợp tác trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý, phát triển sản phẩm DL giữa điểm đến Ninh Thuận với các địa phương trong khu vực, cả nước để khai thác có hiệu quả sản phẩm DL đặc thù. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động DL, dịch vụ, qua đó góp phần đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ DL của cả nước.