Ninh Sơn tập trung phát triển công nghiệp

(NTO) Ninh Sơn là huyện trọng điểm sản xuất cây công nghiệp làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến trong tỉnh, chủ yếu là cây mía và cây mỳ nhờ lợi thế về đất đai và khí hậu phù hợp cho các cây trồng này. Tuy nhiên, những năm gần đây, Ninh Sơn còn được biết đến là địa phương “mới nổi” về phát triển công nghiệp nhờ nhận diện được tiềm năng để tạo nên những “cú huých” về chính sách thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đồng chí Võ Đình Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Với thế mạnh sẵn có của địa phương, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, huyện Ninh Sơn đã đề ra mục tiêu phát triển công nghiệp với nhịp độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 là 25,51%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng như trên, huyện xác định cơ cấu công nghiệp cần có sự chuyển dịch và cấu trúc lại theo hướng phát triển mạnh 3 nhóm ngành sản phẩm, đó là: Phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo; kế đến là lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và cuối cùng là đẩy mạnh phát triển ngành khai thác chế biến khoáng sản-sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, xác định nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nên huyện luôn theo dõi, nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, đầu tư của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án phát triển công nghiệp như: đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án; chú trọng đào tạo nghề cho dệt, may; tăng cường tuyên truyền kết nối sản phẩm cho 2 cây chủ lực mía, mỳ của nông dân với nhà máy.

Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) hoạt động hiệu quả góp phần
phát triển ngành công nghiệp huyện Ninh Sơn. Ảnh: M.D

Tính đến hết năm 2017, riêng về lĩnh vực điện năng đã sản xuất đạt 155,841 triệu kWh, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài hệ thống thủy điện Đa nhim-Sông Pha với sản lượng điện bình quân mỗi năm đạt trên 1,1 tỷ kWh, các công trình thủy điện mới được đầu tư đưa vào hoạt động gần đây như Nhà máy Thủy điện Sông Ông, năm qua đã đóng góp sản lượng điện gần 51,730 triệu kWh, góp phần tăng nguồn điện lưới quốc gia, khắc phục tình trạng thiếu điện tại khu vực, hằng năm đóng góp cho ngân sách địa phương trên 3,6 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha cũng đóng góp vào điện lưới quốc gia trên 68,262 triệu kWh, đồng thời thu hút trên 40 công nhân kỹ thuật bậc cao và gián tiếp tạo điều kiện việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương, đóng góp cho ngân sách huyện gần 4,8 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Quảng Sơn đã đạt sản lượng điện trên 35,85 triệu kWh, thu hút trên 20 công nhân kỹ thuật bậc cao và tạo điều kiện việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách trên 2,5 tỷ đồng. Trong năm 2017, hệ thống điện thương phẩm trên địa bàn huyện đạt 52,04 triệu kWh, tăng 7,3% so với cùng kỳ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 98% hộ dân được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, đây là điều kiện cần thiết để ứng dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Lợi thế về điện năng của huyện còn là nhân tố tích cực cho phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp huyện nhà.

Không chỉ phát triển năng lượng, lĩnh vực công nghiệp chế biến của huyện đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Điểm nhấn” là công nghiệp dệt may với Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú của Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú đã và đang triển khai giai đoạn II với các hạng mục như đầu tư nhà máy dệt, nâng cấp nhà máy nhuộm, may và các công trình phụ trợ, mở rộng các chuyền may,... nâng sản lượng lên 10 tấn/ngày-đêm, đạt trên 2.640 tấn sản phẩm/năm, giá trị sản xuất đạt hơn 500 tỷ đồng/năm. Đơn vị đã thu hút trên 900 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018 này, đơn vị tiếp tục mở rộng đầu tư đáp ứng đồng bộ nhà máy dệt, nhuộm, may tại Ninh Thuận, nâng công suất lên 25 tấn sản phẩm/ngày đêm và tạo việc làm cho 1.000 lao động địa phương. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến tinh bột mỳ do Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Fococev đầu tư nhà máy với sản lượng gần 17.110 tấn sản phẩm/năm và giải quyết việc làm cho trên 80 lao động địa phương, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người /tháng. Nhà máy trên đã cơ bản giải quyết đầu ra cho vài ngàn ha cây mỳ của nông dân địa phương. Đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trên địa bàn huyện hiện có 2 nhà máy gạch Tuynen (Quảng Sơn và Mỹ Sơn), năm 2017 sản lượng làm ra đạt gần 32 triệu viên với tổng giá trị gần 32 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước, giải quyết việc làm cho trên 80 lao động.

Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp hiện có trên địa bàn, trước mắt trong năm 2018, để đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng cho 2 dự án Điện mặt trời tại Mỹ Sơn. Cụ thể là Dự án Điện mặt trời CMX Renewable Energy do Công ty CMX Renewable Energy làm chủ đầu tư, công suất 210 MWp, có diện tích sử dụng 200 ha và Dự án Điện mặt trời Mỹ Sơn do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn đầu tư, công suất 62,5 MWp, diện tích sử dụng 80 ha. Ngoài ra, huyện đang tiến hành kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho công nghiệp chế biến nông sản tại địa phương.