Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng bền vững

Những năm qua, cùng với việc đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh ta còn dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN), từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp cận mặt bằng, có địa điểm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển 19 CCN vào năm 2030 với tổng diện tích 770ha. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 6 CCN đã được thành lập, đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật với quy mô diện tích trên 264ha, bao gồm: CCN Tháp Chàm 23,48ha; Quảng Sơn 50,28ha, Phước Tiến 40ha, Hiếu Thiện 50ha, Phước Minh 1 và 2 trên 100ha.

Trong số các CCN đã thành lập, chỉ mới có CCN Tháp Chàm đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động. Với quy mô diện tích 23,48ha, CCN Tháp Chàm có tổng diện tích đất công nghiệp, dịch vụ được sử dụng là 18,27ha; hiện đã tiếp nhận 13 dự án đầu tư thứ cấp (có 10 dự án đã đi vào hoạt động), đạt tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, CCN Quảng Sơn quy mô 50ha hiện đã cơ bản hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm các hạng mục: Đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, cấp điện. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang triển khai các hạng mục còn lại nhằm sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2024.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, cụm công nghiệp Tháp Chàm. Ảnh: Anh Tuấn

Còn lại các CCN đều đang trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai các thủ tục liên quan, chưa có dự án đầu tư sản xuất, nhưng quá trình triển khai cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như dự án CCN Phước Tiến (Bác Ái) được thành lập từ năm 2021 diện tích 40ha do Công ty TNHH Trường Hỷ Toàn Cầu làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng; đến nay thủ tục còn vướng thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng, nhưng hiện nay qua đôn đốc đơn vị chủ đầu tư chưa hoàn thiện. CCN Hiếu Thiện, xã Phước Ninh (Thuận Nam) cũng được thành lập từ 2 năm qua với diện tích 50ha do Công ty TNHH Đầu tư An Khánh làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên hiện còn vướng mắc về GPMB và đơn vị chủ đầu tư chưa chuyển tiền tạm ứng kinh phí bồi thường hỗ trợ GPMB cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thuận Nam để thực hiện chi trả cho các hộ dân. CCN Phước Minh 1 và 2 được thành lập từ năm 2023 có tổng diện tích hơn 100ha dự kiến triển khai hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu năm 2026. Hiện nay các dự án đang trong quá trính lập quy hoạch chi tiết xây dựng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để GPMB, khởi công dự án trong năm 2024. Tuy nhiên, kết quả triển khai một số hạng mục công việc đang chậm so với tiến độ được duyệt.

Theo phương án phát triển các CCN tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tỉnh sẽ thu hút kêu gọi đầu tư thêm 13 CCN với tổng quy mô diện tích là 480,28ha, gồm: CCN Phước Đại, Phước Tiến 1, Tri Hải, Phước Dân, Lợi Hải 1, Lợi Hải 2, Phước Nam 1, 2, 3, 4, 5; CCN chế biến thủy sản và CCN Phước Minh 3.

Nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong phát triển các CCN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân, hộ gia đình có nhiều cơ hội để tiếp cận mặt bằng, có địa điểm phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập cho lao động nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan khắc phục những tồn tại, chủ động, tích cực hơn trong công tác tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý CCN, bảo đảm đúng định hướng, thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các CCN. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết, đúng tiến độ, nhất là đối với các công trình bảo vệ môi trường; chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất, kinh doanh, quản lý CCN chặt chẽ, đúng quy định.

Đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để triển khai thực hiện phương án phát triển các CCN, các huyện, thành phố đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất CCN trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh 5 năm 2021-2025 phù hợp phương án phát triển các CCN tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều chỉnh các đồ án quy hoạch nông thôn làm cơ sở cho chủ đầu tư triển khai lập ngay quy hoạch chi tiết xây dựng đảm bảo theo cấp độ quy hoạch. Trong thời gian tới, các địa phương xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại của công tác GPMB thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật CCN, sớm hoàn thành thủ tục giao đất cho chủ đầu tư, giải quyết dứt điểm các nội dung còn vướng mắc về công tác bồi thường, GPMB dự án. Các ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương tổ chức việc xác định giá đất cụ thể, làm cơ sở xác định đơn giá thuê đất để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN; đầu tư hoàn chỉnh CCN Quảng Sơn, tạo khả năng thu hút dự án đầu tư. Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của các dự án đầu tư, việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư đối với các dự án hiện trạng trong CCN; hướng dẫn, nhắc nhở và chấn chỉnh việc chấp hành quy định pháp luật của nhà đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả của dự án đầu tư và hiệu quả sử dụng quỹ đất phát triển công nghiệp.