Làng nghề vào xuân

(NTO) Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, các làng nghề vẫn tồn tại và phát triển, giữ vững truyền thống cha ông để lại. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, người dân tại các làng nghề trên địa bàn huyện Ninh Phước lại cho ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Những ngày này không khí lao động của bà con ở làng nghề hết sức nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Có mặt tại làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân), chúng tôi chứng kiến các nghệ nhân đang miệt mài bên khung dệt. Qua bàn tay khéo léo, từng sợi chỉ với những họa tiết được đan xen rực rỡ, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm mang giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm. Chị Trượng Thị Mai, cơ sở dệt Huệ Dương, chia sẻ: Tết là thời điểm mà khách đặt hàng nhiều nhất với số lượng lớn, hiện nay chúng tôi đang tranh thủ thời gian, để kịp giao sản phẩm cho khách hàng. Tuy nhiên, không vì thế mà làm qua loa được, vì đây là sản phẩm thủ công đòi hỏi kỹ thuật cao nên phải tập trung để có được sản phẩm ưng ý. Được biết, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Hợp tác xã làng nghề Mỹ Nghiệp có gần 100 mặt hàng, với đầy đủ các loại như: ba lô, ví, túi xách, quần áo... Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay ở địa phương có hơn 80% gia đình sống bằng nghề dệt thổ cẩm, gần 20 hộ xây dựng các cơ sở sản xuất dệt quy mô với khoảng 500 lao động tham gia. Sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được bày bán trong các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Từ nghề dệt truyền thống đã giúp khoảng 70% gia đình thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Du khách tham quan tại Làng gốm Bàu Trúc.

Tại làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân cũng không kém phần nhộn nhịp, công suất hoạt động của các lò nung gốm những ngày cận Tết càng thêm phần hối hả để kịp cho ra sản phẩm. Ông Phú Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết: Năm nay, ngoài những sản phẩm truyền thống làm theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi còn bày bán tại khu trưng bày với nhiều chủng loại khác nhau như: Bình phong thủy, tượng vũ nữ Apsara, tượng tháp… Các sản phẩm ở đây ngày càng được du khách trong và ngoài nước tiêu thụ mạnh, nên đã mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân…

Còn với làng nghề dệt chiếu ở thôn An Thạnh 2, làng nghề bánh tráng ở thôn An Thạnh 1 (xã An Hải) mặc dù chỉ còn vài chục hộ duy trì, nhưng mỗi khi vào dịp Tết, người dân nơi đây lại tất bật với những chiếc chiếu hoa, chiếu cưới, các lò bánh tráng càng tăng cường độ sản xuất, tạo không khí hối hả chuẩn bị đón xuân. Ông Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết: Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên bà con giữ gìn và phát huy nghề truyền thống đã gắn bó với cha ông từ bao đời nay…

Sản phẩm gốm Chăm với sắc đỏ au của đất sét làng Bàu Trúc. Ảnh: Văn Miên

Những năm qua, để khôi phục và phát triển sản phẩm của các làng nghề, tỉnh ta đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ như đầu tư hạ tầng, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề, quảng bá thương hiệu gắn với kinh doanh du lịch… Nhờ đó, các tuyến đường giao thông dẫn vào các làng nghề được bê tông, nhựa hóa, hệ thống điện, nước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động, đảm bảo cuộc sống.

Một mùa xuân nữa lại về, người dân ở các làng nghề trên địa bàn huyện Ninh Phước càng phấn khởi hơn khi đời sống ngày một khấm khá, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống.