Kết quả nổi bật trong hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

Thời gian qua với nỗ lực của 6 nước thành viên, với sự giúp đỡ của ADB và các nhà tài trợ, hợp tác kinh tế giữa các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.

Hợp tác GMS là chương trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) hình thành vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong 25 năm qua, cơ chế hợp tác kinh tế GMS đã hình thành và vận hành có hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, du lịch, đầu tư tư nhân, phát triển nguồn nhân lực…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (người bên trái) phát biểu tại
Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 22, tháng 9/2017. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ở lĩnh vực giao thông vận tải, hạ tầng giao thông là nơi mà sự hợp tác đạt kết quả nổi bật nhất, tập trung vào việc hình thành 3 hành lang kinh tế chính, gồm: Hành lang kinh tế Bắc-Nam (NSEC), hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC).

Hành lang kinh tế Bắc- Nam xuất phát từ Côn Minh (Trung Quốc) qua Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và hành lang kinh tế Đông- Tây, từ Myanmar qua Thái Lan đến Việt Nam (Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng) đã thông suốt các hoạt động từ năm 2006-2007.

Hành lang kinh tế phía Nam kéo dài từ Myanmar - Thái Lan - Campuchia - Việt Nam, thông tuyến năm 2012.

Cũng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông ở Tiểu vùng, tại Hội nghị Bộ trưởng các nước GMS lần thứ 16 (Hà Nội tháng 8/2010), các Bộ trưởng đã phê chuẩn dự án đường sắt xuyên Á nhằm thiết lập 4 tuyến đường sắt kết nối qua 6 nước GMS.

Theo kế hoạch được phê chuẩn, tới năm 2025, ước tính 3,2 triệu hành khách và 23 triệu tấn hàng hóa sẽ được chuyên chở trên tuyến đường này.

Ngoài hạ tầng giao thông, trong khuôn khổ chương trình hợp tác GMS, nhiều văn kiện hợp tác quan trọng đã được thông qua, đó là: Hiệp định tạo thuận lợi cho hành khách và hàng hóa qua biên giới; Khung chiến lược hợp tác 10 năm và Khung đầu tư Tiểu vùng 10 năm giai đoạn 2012-2022; Kế hoạch thực hiện Khung đầu tư Tiểu vùng giai đoạn 2014-2018; Khung hợp tác chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực, môi trường, phát triển đô thị khu vực GMS…

Tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 22 (Hà Nội tháng 9/2017), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá hợp tác GMS là một sáng kiến nổi bật và thành công nhất trong số các sáng kiến về hợp tác và hội nhập khu vực.

Chương trình ngày càng phát triển mạnh mẽ, cả chiều rộng và chiều sâu, bao gồm các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các nước thành viên, củng cố rõ nét các kết nối cộng đồng và góp phần tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của các nước khu vực GMS.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng để thực hiện có kết quả các nội dung hợp tác GMS, các nước thành viên cần hợp tác chặt chẽ, nỗ lực hơn nữa để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của thành phần kinh tế tư nhân, tạo động lực và niềm tin cho hợp tác GMS trong thời gian tới.

Hội nghị đã đưa ra định hướng xây dựng và hoàn thiện khung kế hoạch hành động 5 năm (gọi là “Kế hoạch Hành động Hà Nội”) có vai trò quan trọng nhằm hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS từ nay đến năm 2022.

Dự kiến, “Kế hoạch Hành động Hà Nội” sẽ được các nhà lãnh đạo 6 nước GMS xem xét và thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 tổ chức từ ngày 29-31/3 tới ở Việt Nam.

Nguồn www.chinhphu.vn