Thế giới trong tuần

1. Hơn 1 tỷ phụ nữ không được bảo vệ trước các hành vi bạo lực giới.

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử với nữ giới trên thế giới.  

Phát biểu tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh hiện nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ phụ nữ không được bảo vệ trước các hành vi bạo lực gia đình và những hành vi quấy rối tại nơi làm việc, trong khi chênh lệch thu nhập giữa hai giới lên tới 23%, tỷ lệ này ở các vùng xa xôi là 40%. Vai trò của nữ giới trong những công việc không được trả lương lại không được thừa nhận. Tổng thư ký Guterres còn cảnh báo nếu không có hành động cụ thể, hàng triệu bé gái sẽ là nạn nhân của các hủ tục trong 10 năm tới. Trong khi đó, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong quốc hội còn thấp, chưa tới 25%, trong khi mức này ở các vị trí lãnh đạo còn thấp hơn. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh cơ quan đa phương lớn nhất toàn cầu này ủng hộ cuộc chiến dành lại công bằng của phụ nữ trên toàn thế giới và Liên hợp quốc nên là hình mẫu của thế giới trong các nỗ lực này. Ông cho biết bình đẳng giới lần đầu tiên đã được thể hiện ngay trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc và ông quyết tâm nhân rộng mô hình này ra các tổ chức, cơ quan trực thuộc. 

Tổng thư ký Guterres khẳng định việc trao quyền cho phụ nữ là trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và đảm bảo bình đẳng giới cũng là đảm bảo quyền con người.  

2. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ là “dấu mốc lịch sử”

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngày 9-3 hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý gặp nhau, nhận định cuộc gặp này sẽ là một “dấu mốc lịch sử” hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. 

Người phát ngôn của Tổng thống Moon cho biết Tổng thống cũng bày tỏ hy vọng với việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, “việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên sẽ thực sự được đặt vào đúng đường hướng”. 

 Nhận định trên của Tổng thống Moon Jae-in được đưa ra sau khi đặc phái viên của ông là Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Chung Eui-yong thông báo Tổng thống Mỹ đã nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên và cuộc gặp sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Ông Moon Jae-In cho rằng động thái này sẽ không chỉ nhận được lời tán dương của người dân ở hai miền Triều Tiên mà còn của người dân trên toàn thế giới. 

 Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng cho đến khi đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

 Trên trang Twitter, Tổng thống Trump cho rằng hiện đang đạt được “tiến triển lớn”, song các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục được thực thi cho đến khi đạt thỏa thuận. 

 Theo Tổng thống Trump, ông Kim Jong Un đã nói với các phái viên Hàn Quốc về phi hạt nhân hóa, cũng như không tiến hành thử tên lửa trong thời gian này. Thông điệp này đã được phái đoàn Hàn Quốc truyền đạt trong chuyến thăm Nhà Trắng ngày 8-3. Ông Trump cũng cho biết cuộc gặp với ông Kim Jong Un “đã được lên kế hoạch”.  

3. Mỹ kiên quyết điều chỉnh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Bất chấp những phản ứng của dư luận quốc tế và những quan ngại về một cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khẳng định quyết tâm theo đuổi kế hoạch tăng thuế đối với hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.  

Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter ngày 4-3, Tổng thống Mỹ viết: “Chúng ta đang bị thua thiệt trong tất cả các thỏa thuận thương mại và Mỹ đã bị lợi dụng trong nhiều năm. Ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ đang dần chết. Đã lến lúc phải thay đổi”. 

Bình luận về tuyên bố trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Tổng thống Trump đã có các cuộc trao đổi về chính sách thuế của Mỹ với lãnh đạo các cấp của nhiều nước. Hiện Tổng thống Trump chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi ý định. Ông cho biết dự kiến trong tuần này, Tổng thống Trump sẽ công bố quyết định sau cùng. Trước đó, Bộ trưởng Ross đã bác bỏ những ý kiến cho rằng việc Mỹ nâng mức thuế quan đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu sẽ đẩy giá cả leo thang, cũng như nguy cơ các nước có các biện pháp trả đũa. Ông nêu rõ bất kỳ đối tác thương mại nào quyết định cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ trong các lĩnh vực khác cũng sẽ đều tăng giá và tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ. 

Ngày 1-3 vừa qua, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch tăng thuế đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, theo đó mức thuế mới đối với hai mặt hàng nhập khẩu này sẽ tăng lên 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Đáng chú ý, mức thuế này được áp dụng đồng loạt với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của tất cả các nước, kể cả các đồng minh của Mỹ.