Vì sao CPTPP ‘Toàn diện và Tiến bộ’?

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đã hoàn tất nội dung một hiệp định mới-Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định vừa được ký vào ngày 8/3 tại Chile. Vậy, hai thuật ngữ “toàn diện và tiến bộ” được hiểu thế nào?

Thỏa thuận tự do thương mại CPTPP vừa được ký kết sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn thế giới.

Đó là những hình dung khái quát về các lợi ích mà CTPPP mang lại cho 11 nước tham gia khi Hiệp định đi vào thực thi.

Trong tên gọi của CPTTP có thêm 2 thuật ngữ là “toàn diện và tiến bộ” so với TPP, theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada François-Philippe Champagne, lý do là các bên tham gia muốn đây là một thỏa thuận chất lượng cao.

Trả lời TTXVN tại Chile ngay tại lễ ký Hiệp định, ông François-Philippe Champagne cho biết tại cuộc gặp đầu tiên sau khi Mỹ rút khỏi TPP tại Vina Del Mar, Chile (ngày 15/3/2017), các bên đã quyết định muốn có một thỏa thuận thương mại chất lượng cao và đó phải là điều người dân mong muốn.

Thuật ngữ “toàn diện” là để phản ánh tiêu chuẩn cao trong Hiệp định về các lĩnh vực lao động, môi trường hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi khái niệm "tiến bộ" bảo đảm thương mại là thực tế đối với mọi người dân, bảo đảm người dân ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp cận với thương mại.

Bộ trưởng của Canada nhấn mạnh “chúng tôi muốn phản ánh qua tên gọi của Hiệp định rằng CPTTP là dành cho tất cả mọi người; Hiệp định không phải chỉ có lợi cho các công ty lớn và ai cũng có thể giao thương với các thị trường mới. CPTPP phản ánh tất cả các tham vọng. Người dân muốn một thỏa thuận bao trùm các vấn đề về thương mại và dịch vụ, thương mại và hàng hóa; bảo đảm việc đạt được sự thống nhất ở mức độ cao; bảo đảm rằng mọi thành phần xã hội sẽ được hưởng lợi từ thương mại. Đây chính là điều đạt được với CPTPP”.

Các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn