Như có Bác Hồ giữa đảo Trường Sa

(NTO) Trên các đảo của quần đảo Trường Sa, nơi đâu cũng có hình ảnh Bác Hồ bên cạnh lá cờ Tổ quốc. Giữa muôn trùng sóng nước, hình ảnh Bác Hồ đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ quyết tâm canh giữ biển đảo, vùng trời thiêng liêng.

Chúng tôi đặt chân đến các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, nơi đâu cũng thấy có phòng truyền thống với tên gọi phòng Hồ Chí Minh. Do diện tích hẹp, phòng Hồ Chí Minh còn được sử dụng làm hội trường để tổ chức các hoạt động tập thể, văn hóa-văn nghệ, hội họp, chào cờ. Đây đồng thời cũng là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật về chủ quyền biển đảo, các tranh ảnh truyền thống của đơn vị và lực lượng Hải quân. Đặc biệt nhất là trong căn phòng này, vị trí trang trọng nhất được bộ đội hải quân lập bàn thờ để tưởng nhớ vị Cha già dân tộc-Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày Tết, trên bàn thờ Bác được bày biện mâm ngũ quả, bánh chưng xanh cùng các lễ vật như thờ cúng gia tiên ở đất liền, vừa ấm cúng lại hết sức gần gũi. Tại đảo Đá Tây A, bên cạnh bàn thờ Lý Thường Kiệt với câu thơ thần khẳng định chủ quyền, độc lập, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thường thắp hương lên bàn thờ Bác cạnh mốc chủ quyền, để hàng ngày tâm niệm và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm uy nghiêm giữa trung tâm đảo Trường Sa.

Tại đảo Trường Sa, với lợi thế về diện tích đất khá rộng, lại được sự đóng góp, hỗ trợ từ đất liền, Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng rộng gần 800m2 khá bề thế, uy nghiêm ngay vị trí trung tâm của đảo; xung quanh có khuôn viên cây xanh, nhà chính với mái ngói vút cong như ngôi đình làng Việt. Bên trong Nhà tưởng niệm được bài trí trang trọng với nhiều nét tương đồng như Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại quê nhà thuộc Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Bên trong Nhà tưởng niệm đặt bức tượng Bác bằng đồng nặng gần 1 tấn ở giữa gian chính thất. Ngoài ra, còn có các vật thờ bằng đồng như đỉnh trầm, hạc, lư hương… cùng các tủ trưng bày ảnh, các tư liệu về Bác Hồ với sự nghiệp cách mạng, với lực lượng vũ trang, bộ đội hải quân và các tầng lớp nhân dân. Tại gian trưng bày Bác Hồ với bộ đội hải quân còn lưu lại những hình ảnh quý giá của Người được bộ đội tặng bông hoa san hô; Bác Hồ đội mũ hải quân với nụ cười tươi với chòm râu bạc trắng. Trên bức tường màu đỏ thẫm, lời căn dặn của Bác khi về thăm Quân chủng Hải quân năm 1961 cũng được khắc ghi: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Dẫn chúng tôi tới thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ngay khi vừa đặt chân lên đảo, Trung tá Phạm Bá Bằng, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa cho biết: Nhà tưởng niệm Bác Hồ là công trình được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đóng góp kinh phí trùng tu, xây dựng vào năm 2010. Từ khi khánh thành và đi vào hoạt động đến nay, Nhà tưởng niệm đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân đang sinh sống, công tác trên đảo.

Là một không gian văn hóa tâm linh vừa khang trang lại gần gũi, rộng rãi nên quân và dân trên đảo thường tới đây trước là thắp nén nhang lòng thành dâng lên Bác, tỏ lòng thành kính tri ân, hứa quyết tâm phấn đấu, rèn luyện, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vừa xem tư liệu truyền thống và quây quần trò chuyện vui vẻ sau những giờ rèn luyện, lao động, học tập hăng say.

Đặc biệt, trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, những ngày vui Tết cổ truyền trên đảo, quân và dân đều tề tựu về đây cùng thành kính dâng hương tưởng nhớ và báo công lên Bác. Trung tá Phạm Bá Bằng cho biết thêm: Có khu tưởng niệm Bác Hồ giữa đảo xa, bộ đội Trường Sa cảm nhận như có Bác đang dõi theo, động viên, nhắc nhở CBCS phải luôn trau dồi đạo đức, bản lĩnh, tác phong, lòng trung thành với Tổ quốc để cống hiến xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, giàu đẹp và hòa bình. Chính vì vậy, CBCS trên đảo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó chú trọng làm tốt từ những việc nhỏ như tiết kiệm điện, nước sinh hoạt; tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng rau và cây xanh tạo cảnh quan môi trường trên đảo, đến việc xây dựng lực lượng, cụm chiến đấu và đảo ngày càng chính quy, hiện đại. Học tập Bác, bộ đội và các lực lượng trên đảo sống gần gũi yêu thương nhau, quý trọng tình đồng chí, đồng đội, gắn bó giúp đỡ nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

Tham gia cùng đoàn quân và dân trên đảo thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chiến sĩ trẻ Huỳnh Văn Hận (20 tuổi, quê ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) vừa nhận công tác tại Cụm chiến đấu số 1, đảo Trường Sa tâm sự: Lần đầu được đến thăm và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, em thấy rất tự hào khi làm người lính hải quân bảo vệ đảo Trường Sa. Qua tìm hiểu, em càng nhận thức đầy đủ hơn sự hy sinh, cống hiến của Bác Hồ đối với đất nước, với nhân dân và bộ đội Hải quân. Vì vậy, em luôn tự ý thức về trách nhiệm của người lính, phải tích cực rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.