Chúng tôi đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào những ngày biển động, cũng là thời điểm cơn bão số 16 có tên gọi Tembin quét tràn qua đảo chưa lâu. Điều khiến chúng tôi bất ngờ, đó là những luống rau vẫn xanh tốt, bảo đảm dinh dưỡng từng bữa ăn cho bộ đội. Tại đảo Đá Đông B, đảo chìm đầu tiên chúng tôi đến, vườn rau xanh tuy bị hư hỏng nhiều, nhưng nhờ bàn tay chăm sóc của bộ đội đã lại lên xanh mướt. Để trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đảo đã tận dụng từng thùng xốp, vỏ lon, tấm bạt, từng khay đất, giọt nước mưa để duy trì, phát triển vườn rau. Gọi là vườn rau nhưng thực chất là những khay đất xếp dày lại với nhau để tiện việc bảo quản, di chuyển và chăm sóc rau trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của biển đảo. Khó khăn là thế nhưng trong năm qua, CBCS ở đây đã tăng gia sản xuất được 530 kg rau xanh. Chiến sỹ Lương Thế Anh ở đảo Đá Đông B vừa chăm sóc vườn rau, vừa chia sẻ với chúng tôi: Trồng rau ở đảo luôn phải che chắn gió và sóng biển. Khi có gió bão thì chuyển toàn bộ các chậu rau này vào khu vực kín gió, tránh sóng. Mỗi khi tắm rửa, bộ đội luôn tận dụng nước ngọt để dành tưới rau. Trong điều kiện khó khăn, lính đảo đều biết làm giá đỗ, trồng rau mầm và chăm sóc vườn rau theo một quy trình thống nhất. Rau dền, rau muống cạn, rau cải, mồng tơi là những giống cây trồng phù hợp nhất để gieo trồng trong những vườn rau ở đảo. Trong trường hợp các bầu trồng rau xanh trên đảo bị nhiễm mặn, đất được giữ lại và đem ra rửa mặn, phơi khô, bón thêm vôi và phân để tiếp tục gieo hạt mầm mới.
Chiến sĩ chăm sóc rau xanh trên đảo.
Tương tự, ở đảo Đá Tây B, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh những chiến sỹ dựng lại mái chòi mà anh em bảo là “nhà” cho rau. Cũng là những thanh gỗ được đóng chắc chắn và che bạt cẩn thận để tránh nước biển, những mầm rau ở đây chen chúc trong những thùng, những hộp nhỏ được tận dụng xếp trong “nhà rau chiến sĩ”, nằm sát bên mép biển. Vừa tranh thủ gác cây gỗ lên mái để căng bạt che chắn khu vườn rau, Trung sĩ Phan Hữu Nhớ, một người con của quê hương Ninh Thuận cho biết. Đợt cuối năm 2017 vừa qua, cơn bão số 16 đã làm vườn rau đang xanh tốt với đủ các loại cải, mồng tơi, rau muống bỗng chốc trở nên xơ xác, đất trồng rau trên đảo bị nhiễm mặn hoàn toàn bởi nước biển. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của tất cả anh em, đến nay, vườn rau của đơn vị gần như được phục hồi, nguồn rau xanh đã đảm bảo tốt cho các bữa ăn hàng ngày của CBCS trên đảo và cung cấp đủ rau xanh trong dịp Tết này.
Thượng úy Trần Đức Hạnh, Chính trị viên đảo Đá Tây B cho biết thêm: Để không làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của đơn vị, các chiến sĩ đã nhanh chóng dùng nước ngọt rửa mặn, bón thêm vôi rồi trải bạt ra phơi đất từ 2 đến 3 ngày sau mới trồng lại. Trong thời điểm những ngày Tết đang cận kề, các chiến sỹ tham gia mỗi người một việc, người phơi đất, người dựng lại mái che, người căng lại bạt chắn gió để khôi phục vườn rau kịp đáp ứng nguồn thực phẩm tươi trong những ngày Tết. Hiện đơn vị ưu tiên trồng rau mầm để khắc phục tình trạng thiếu rau xanh, chỉ cần 5 đến 7 ngày sau khi gieo hạt là các chiến sĩ đã có rau mầm để ăn.
Ở đảo, rau phát triển chậm hơn so với đất liền, nên ăn mỗi cọng rau đều đậm đà vị biển vì sự hiếm hoi và quý giá. Có thấy được những gian nan để mỗi hạt giống nảy mầm và lớn lên ở nơi này mới hiểu hết được sự trân trọng của CBCS Trường Sa khi nhận được món quà từ đất liền. Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Trưởng Đoàn công tác cho biết: Sau cơn bão số 16 có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước đã hỗ trợ hàng chục tấn rau xanh, đáp ứng nhu cầu trong bữa ăn hàng ngày của CBCS, nhất là đảm bảo rau xanh trong những ngày Tết. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ hạt giống, các vật dụng để trồng rau tiết kiệm nước, đất dinh dưỡng, phân vi sinh, nhà kính, bạt che để các đảo phục hồi, trồng lại rau xanh cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Cụ thể, Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) gửi tặng hơn 40 tấn rau, củ, quả các loại; Công ty Hiếu Giang (tỉnh Lâm Đồng) tặng 2.000 kg phân vi sinh, 350 bao đất sạch dinh dưỡng; Công ty hóa nông An Giang tặng 3 tấn phân bón hữu cơ và 50 kg hạt rau các loại; Công ty điện năng lượng mặt trời Trung Nam tặng 2 nhà kính trồng rau trị giá 300 triệu đồng. Đó là những món quà có ý nghĩa thiết thực nhất đối với Trường Sa sau bão.
Những mầm xanh ở Trường Sa có sức sống thật kỳ diệu, cứ vươn lên không ngừng giữa mưa gió bão bùng, như một sự thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt. Những vườn rau vươn lên mạnh mẽ sau giông bão ở đảo Trường Sa như sức sống mãnh liệt, kiên cường vượt qua khó khăn thử thách của những người chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu, để Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng.
Anh Tuấn