Màu xanh mới ở Thuận Bắc

(NTO) Sau những đợt mưa vừa qua, cuối năm nay, chúng tôi trở lại một số vùng trên địa bàn huyện Thuận Bắc, cảm giác đầu tiên là màu xanh của cây lá dường như đang chiếm lĩnh hầu hết các cánh đồng, vườn tược.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, phát huy lợi thế các công trình thủy lợi đã được đầu tư, trên cơ sở nguồn nước đã tích đủ tại các hồ đập, Thuận Bắc mở rộng sản xuất, nâng diện tích gieo trồng lên 12.036 ha, vượt 5,7% kế hoạch năm. Có mưa, có nước, tất nhiên cây trồng phủ màu xanh mới.

Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: V.M

Với chủ trương khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác, năm 2017, Thuận Bắc xác định mục tiêu tiếp tục duy trì và phát triển nhanh kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Thuận Bắc chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào thực tiễn, làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Mô hình trồng trọt các loại cây như măng tây xanh, bưởi da xanh, mãng cầu dai được nông dân các xã Bắc Phong, Bắc Sơn, Công Hải và Lợi Hải phát triển, tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Đơn cử, thôn Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong) nhờ có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, nông dân đã đầu tư phát triển trồng 1,1 ha măng tây xanh, 2 ha mãng cầu dai hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Phong cho biết: Mãng cầu dai và măng tây xanh đang được coi là lựa chọn hàng đầu tại đây, cứ thu hoạch là được thị trường tiêu thụ ngay nên đang kích thích nông dân mở rộng diện tích trồng.

Cây măng tây xanh ở xã Bắc Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: M.Khai

Là huyện miền núi, Thuận Bắc có diện tích đất tự nhiên 31.826,12 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 8.623,7 ha. Nhờ hạn hán không xảy ra cộng với việc triển khai phương án điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, tưới luân phiên giữa các đập, kênh trong hệ thống, từng xứ đồng, Thuận Bắc đã làm hồi sinh và xanh hóa cả những nương rẫy trước đây từng khô cằn vì thiếu nước. Ở thôn Suối Đá (xã Lợi Hải), chúng tôi tình cờ gặp anh Ta-pur Bông, 51 tuổi, là nông dân Raglai vươn lên thoát nghèo nhờ trồng trọt và chăn nuôi. Anh Bông kể: Hơn 10 năm trước, mảnh đất này toàn sỏi đá không sản xuất được, khi có con kênh dẫn nước từ hồ Sông Trâu chảy ngang, tôi tận dụng nguồn nước khai phá diện tích 1,1 ha, dành 6 sào làm ruộng lúa 2 vụ, còn lại trồng điều và chuối. Bây giờ nhìn cây trái xanh tươi, có ai ngờ ngày xưa nó là vùng đất khô cằn bỏ hoang. Màu xanh mới này còn kích thích anh đầu tư nuôi bò, dê và gà thả vườn, nâng dần thu nhập, cải thiện dần đời sống gia đình. Có thể nói nhờ phát huy năng lực tưới của các hồ, đập thủy lợi, trọng tâm là hồ Sông Trâu, Bà Râu, huyện Thuận Bắc đã tạo chuyển biến trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo anh Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020, trong năm qua, nông dân từng bước đưa vào sử dụng giống xác nhận, sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, mô hình tưới nước tiết kiệm... Đặc biệt, đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 247,55 ha. Qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiệu quả kinh tế tăng cao; một số nông dân ở Bắc Phong, Lợi Hải cho biết thu nhập từ cây đậu xanh tăng 1,6 lần so với cây lúa; cây dưa hoàng kim cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha và cây bắp cho lợi nhuận 7,9 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ở vùng chủ động nước thuộc 2 xã Bắc Phong và Công Hải, đã nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với tổng diện tích 1.315 ha. Riêng xã Công Hải, qua liên kết doanh nghiệp sản xuất lúa giống với diện tích 140 ha, tổ sản xuất lúa giống thôn Hiệp Kiết đã đạt năng suất bình quân 8 tấn/ha, tăng hơn năm ngoái gấp đôi về diện tích và 0,2 tấn/ha về năng suất.

Mô hình trồng cây bưởi da xanh ở xã Công Hải sẽ được mở rộng sang xã Phước Chiến trong năm 2018.

Nhìn chung, màu xanh mới ở Thuận Bắc đã phản ánh sinh động về sự hưởng ứng tích cực của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước và từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng cạn. Kết quả quan trọng là các địa phương đã thành lập được các tổ sản xuất, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thống nhất giá sàn đối với các sản phẩm cây trồng cạn như đậu xanh, bắp…, làm cho người dân yên tâm sản xuất. Điều này chúng tôi ghi nhận rõ trong vụ hè-thu, qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa 2 tổ sản xuất đậu xanh của các xã Công Hải và Bắc Phong với Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát, nông dân đã có đầu ra ổn định với giá sàn của đậu xanh là 20.000 đồng/kg và mè đen 30.000 đồng/kg.

Những ngày gần đây, có dịp đến các vùng quê huyện Thuận Bắc, chúng tôi được biết tận dụng cơ hội có lượng nước tích tại hồ, đập đủ khả năng phục vụ tưới, Thuận Bắc đã triển khai kế hoạch gieo trồng diện tích 3.393 ha trong vụ đông-xuân 2017-2018, trong đó có 2.770 ha lúa. Đặc biệt, cũng trong vụ đông-xuân sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng với diện tích 114,6 ha, xây dựng cánh đồng lớn (90 ha cánh đồng lúa, 30 ha cánh đồng mía) và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao phù hợp với từng địa phương. Tạo màu xanh mới cho sản xuất nông nghiệp, Thuận Bắc đang tích cực giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp hiệu quả vào tiến trình xây dựng nông thôn mới.