Nỗ lực phát triển ngành Công nghiệp

(NTO) Để tạo động lực đưa ngành Công nghiệp (CN) phát triển, trong năm 2017, tỉnh ta đã “dồn sức” rất nhiều cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, kết quả đạt được của ngành CN vẫn chưa tạo sự bứt phá mới để xác lập vị trí “tương xứng” trong cơ cấu chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch

Nhìn vào bức tranh CN của tỉnh năm 2017 cho thấy, trong số 23 sản phẩm chủ lực của ngành có 10 sản phẩm đạt, vượt kế hoạch, nếu so với cùng kỳ năm 2016 thì có 16/23 sản phẩm tăng trưởng. Cụ thể: Đá xây dựng tăng 12%; đường RS tăng 10,1%; nha đam tăng 20,1%; bia đóng lon tăng 20,8%; khăn bông tăng 16,7%; may mặc tăng 9,4%; gạch không nung tăng hơn 4 lần; điện sản xuất tăng 31,2%; điện thương phẩm tăng 7,1%; bao bì giấy tăng 28,1%; đá granite tăng 0,5%; thuốc lá điếu tăng 2,5%; nước yến tăng 2,6%; nước uống được tăng 2,9%; muối chế biến tăng 20,7% và gạch nung tăng 2,4%. Kết quả trên đã góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) năm 2017 dự ước tăng 6,38% so với cùng kỳ. Trong đó, CN chế biến, chế tạo tăng 6,5%; CN sản xuất và phân phối điện tăng 28,35%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 3,55%; riêng CN khai khoáng giảm 18,1%. Về tình hình triển khai dự án, đến nay Nhà máy điện gió Đầm Nại đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc xây dựng xong 3 trụ điện gió có công suất gần 7,8MW đã hòa vào lưới điện quốc gia để vận hành thương mại từ đầu tháng 10-2017.

Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: V.M

Sự phát triển của ngành CN trong năm 2017 là đáng ghi nhân, tuy nhiên thực tế phải nhìn nhận rằng, tính bền vững của sự phát triển đó chưa cao. Minh chứng cụ thể đó là, trong năm qua vẫn còn 13 nhóm sản phẩm CN không đạt kế hoạch, trong đó có 7 sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Tôm đông lạnh giảm 2,9%; nhân điều giảm 21,8%; tinh bột mì giảm 9,2%; bột rau câu giảm 63,5%; xi măng giảm 0,3%; phân hữu cơ vi sinh giảm 20%; đặc biệt, sản phẩm muối biển, được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao ở những năm trước và có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung, nhưng năm nay đã giảm mạnh đến 44,5%. Do vậy, tính chung cả năm 2017, giá trị sản xuất ngành CN chỉ ước đạt 5.740 tỷ đồng, đạt 88,7% so với kế hoạch đề ra.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng của ngành CN đạt thấp so với kế hoạch là có nhiều yếu tố như: Do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ giảm đã gây bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có thêm những sản phẩm mới có giá trị sản xuất cao để làm “điểm nhấn” trong ngành. Hay nói cách khác hơn, là chưa có những sản phẩm “đầu tàu” tạo nên lực đẩy tăng tốc cho CN của tỉnh. Trong khi đó, các sản phẩm chủ lực đóng góp tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây như tôm đông lạnh đến nay đã phát huy hết công suất vốn có; bia đóng lon dù Nhà máy sản xuất số 2 đã đi vào hoạt động, nhưng sản phẩm tiêu thụ không ổn định... Từ những đánh giá nêu trên cho thấy, lần đầu tiên sau nhiều năm tốc độ tăng trưởng CN của tỉnh lại đạt thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2018

Xác định phát triển CN là một trong những mục tiêu hàng đầu đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển, trong năm 2018, ngành Công Thương xác định tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm tạo thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Phấn đấu đến cuối năm giá trị sản xuất ngành CN đạt khoảng 6.660 tỷ đồng, trong đó: CN khai khoáng đạt khoảng 268,6 tỷ đồng; CN chế biến, chế tạo đạt 5.790 tỷ đồng; CN sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước đạt khoảng 416,8 tỷ đồng; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 184,6 tỷ đồng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 16% và chỉ số sản xuất CN (IIP) dự tính ước tăng 14% so với cùng kỳ.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận
chi nhánh Ninh Thuận chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: V.M

Để hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên, ngành Công Thương bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để tập trung nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy cao nhất năng lực các sản phẩm hiện có. Tiếp tục theo dõi, phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đưa vào hoạt động các dự án: Nhà máy chế biến muối (của Chi nhánh Công ty Cổ phần muối Khánh Vinh); Nhà máy chế biến nước mắm (của Công ty TNHH Thái Phong Seafood); Xưởng sản xuất và chế biến nước mắm (của Công ty Cổ phần thủy sản Kinh Đô Nha Trang); Xưởng Sản xuất gạch Nam Châu Sơn Block (của Công ty Cổ phần Nam Châu Sơn Ninh Thuận); Nhà máy chế biến muối tinh (của Công ty TNHH SX-KD muối Tri Hải)..., nhằm tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành.

Ngoài các giải pháp kể trên, Sở Công Thương còn tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án như: Nhà máy điện gió Phước Hữu-Duyên Hải 1, điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, điện mặt trời Phước Hữu, điện mặt trời SP Infra 1, điện mặt trời Mỹ Sơn, điện mặt trời CMX, điện mặt trời Thiên Tân... Đồng thời, công bố các quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là Quy hoạch phát triển điện lực Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035; Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, nhằm tạo sự đột phá về năng lượng tái tạo. Phối hợp theo dõi việc triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng các khu, cụm CN; trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng Khu CN Cà Ná, Du Long và Cụm CN Quảng Sơn..., để kêu gọi đầu tư các dự án thứ cấp tạo tiền đề phát triển và thúc đẩy tăng trưởng CN trong giai đoạn đến năm 2020. Bên cạnh đó, ngành còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ về những chủ trương, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư mới của tỉnh để thu hút các nguồn lực phát triển đối với các dự án thuộc lĩnh vực CN chế biến; xây dựng các cửa mở để doanh nghiệp nội tỉnh tiếp xúc với thị trường chung của khu vực. Cách làm này không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh phát huy tốt nội lực mà còn có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết được với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiềm năng CN tỉnh nhà phát triển.