Có những ngư dân như thế !

(NTO) Ninh Thuận có bờ biển dài trên 105 km là trung tâm vùng nước trồi và là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Những năm qua, tỉnh ta đã có những chủ trương, chính sách mang tính động lực để phát huy lợi thế mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng từ biển. Chỉ nói riêng về nghề khai thác “lộc” biển đã phát huy được nội lực nghề cá nhân dân, năng lực tàu thuyền khai thác hải sản tăng mạnh cả về số lượng và quy mô công suất.

 Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, hoạt động dài ngày trên vùng biển khơi, đồng thời làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc... Điều rất đáng ghi nhận là ngày càng có nhiều ngư dân đã “dũng cảm”, quyết chí bám biển bằng những con tàu đủ mạnh công suất lớn với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Tàu cá mang số hiệu NT 91242 TS của ngư dân Vương Thị Thúy Vân
được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị hạ thủy.

Nếu thời điểm ngày đầu tái lập tỉnh 1992 có được con tàu 45 CV đã là niềm mơ ước của nhiều ngư dân, nay với công suất đó được xếp vào hàng thấp cần giải bản để thay bằng những con tàu mạnh hơn hàng chục lần... Đến nay, tại các làng biển, những con tàu có công suất từ 800 CV đến 1.000 CV không còn xa lạ và ngày càng phát triển. Để biến ước mơ được làm chủ những con tàu lớn, vững chải trước đại dương, cùng với ý chí của ngư dân, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ bằng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Có thể nói, đây chính là “bà đỡ” để những ngư dân có “chí lớn” vươn lên không chỉ khai thác nguồn lợi vùng biển nội tỉnh mà còn đến các vùng biển xa, hải đảo của Tổ quốc.

Theo số liệu của ngành Ngân hàng, tính đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá đợt 8 năm 2017 cho 4 ngư dân với tổng vốn đầu tư dự kiến là 50 tỷ đồng, vốn vay dự kiến 47,5 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế đã phê duyệt 8 đợt cho 44 ngư dân đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và 89 của Chính phủ, trong đó huyện Ninh Hải có 19 chiếc, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm 16 chiếc và huyện Thuận Nam 9 chiếc... Đã có 26 ngư dân ký hợp đồng tín dụng với số tiền cam kết cho vay trên 209,647 tỷ đồng, đã giải ngân 156,97 tỷ đồng, đạt 74,87%. Hiện tại đã có 14 tàu hạ thủy đi vào hoạt động, gồm Thuận Nam 2 chiếc, Ninh Hải 3 chiếc và Tp. Phan Rang – Tháp Chàm 9 chiếc. Trong số này có 10 tàu khai thác gồm 7 tàu gỗ bọc composite và 3 tàu composite; 4 tàu dịch vụ gồm 1 tàu sắt, 2 tàu composite và 1 tàu gỗ. Ngoài ra, có 4 ngư dân đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để ký hợp đồng tín dụng... Nêu ra những con số trên để thấy rằng đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày, liên kết với tàu dịch vụ hậu cần nghề cá... đã và đang là xu thế làm ăn mới, tất yếu thông qua sự tiếp sức bằng chính sách của Chính phủ và đồng hành của ngành Ngân hàng đầu tư cho ngư dân đóng tàu lớn với trang thiết bị hiện đại để hoạt động hiệu quả nhất trên biển. Vậy những ngư dân mạnh dạn vay vốn với quyết tâm làm “ông chủ lớn” nói gì?.

Ông Nguyễn Văn Mười (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải), chủ tàu khai thác mang tên Hải Dương là một trong những ngư dân đầu tiên của tỉnh đầu tư bằng nguồn vốn theo Nghị định 67 phấn khởi: - Tàu “67” của tôi có công suất 829 CV chứa được hơn 100 tấn hải sản, chiều dài 24 m, rộng 6,5 m, cao 3,5 m; được trang bị máy dò quét, máy dò đứng, máy định vị tầm xa, tầm ngư, hải đồ, ngư lưới cụ… với tổng kinh phí đầu tư gần 12 tỷ đồng và được hạ thủy vào tháng 3-2016. Từ khi có con tàu “67”, tôi cảm thấy rất tự tin mỗi lần đi đánh bắt khơi xa. Đối với tôi, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ra đời không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành mà đó còn là động lực rất lớn để giúp ngư dân chúng tôi mạnh dạn vươn khơi bám biển, không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động biển mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Võ Ngọc Minh (Khu phố 9, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), không đóng tàu khai thác mà chuyển sang làm “bạn đồng hành” bằng tàu dịch vụ hậu cần mang tên Rạng Đông, vỏ gỗ bọc composite, công suất 940 CV, tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ đồng bộc bạch: - Nhờ vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tôi đã mạnh dạn đóng chiếc tàu để làm dịch vụ hậu cần này. Tàu của tôi chủ yếu cung cấp nhiên liệu, vật dụng và các thứ cần thiết cho tàu đánh bắt xa bờ rồi thu mua hải sản vận chuyển vào bờ, mỗi chuyến đi khoảng 4-5 ngày. Ngoài ra, tôi còn là Tổ trưởng tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Tổ đoàn kết có 6 thành viên tham gia với 6 tàu, bao gồm cả tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần. Đa số tàu trong tổ đều được đóng mới theo Nghị định 67, các tàu đều được trang bị thiết bị hiện đại, đầy đủ ngư lưới cụ, máy công suất lớn. Ông cho biết thêm, thời gian qua được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về nhiên liệu, trang thiết bị hàng hải nên không chỉ có ông mà các thành viên trong tổ đều rất phấn khởi và luôn sẵn sàng vươn khơi khai thác hải sản trên các ngư trường xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tàu dịch vụ hậu cần Việt Anh của ngư dân Nguyễn Đức Hải được đóng mới theo
Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Trần Văn Năm (Khu phố 4, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), chủ tàu vỏ gỗ, công suất 420 CV, hành nghề lưới rê, tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng đã rất cởi mở trao đổi với chúng tôi: - Khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP ra đời, tôi mạnh dạn vay Ngân hàng để đóng tàu vỏ gỗ với công suất 420 CV. Tàu “67” của gia đình tôi hoạt động bằng nghề lưới rê, so với con tàu mà tôi đã có thì tàu “67” đã góp phần rất lớn trong việc tạo thêm thu nhập cho lao động địa phương, cải thiện thu nhập cho gia đình, và cùng với những con tàu của tỉnh nhà vươn khơi xa, đoàn kết giúp nhau khai thác “lộc biển”…

Chủ tàu vỏ gỗ mang số hiệu NT-91242 TS, công suất 600 CV, hành nghề nghề câu và mành chụp, tổng vốn đầu tư trên 10,8 tỷ đồng lại là... nữ ngư dân Vương Thị Thúy Vân (Thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, Thuận Nam). Bà cho biết:- Gia đình tôi làm nghề câu đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, những năm gần đây việc khai thác ít hiệu quả do tàu công suất nhỏ, không ra khơi xa được. Được biết, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng mới và cải hoán tàu thuyền công suất lớn theo Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký đóng mới và chuyển đổi ngành nghề tham gia đánh bắt xa bờ. Cũng nhờ đó mà góp phần phát triển kinh tế gia đình. Bà Vân thật lòng: Tôi mong sao bà con ngư dân trong tỉnh có điều kiện đăng ký đóng mới, cải hoán tàu của mình để làm ăn, nâng cao kinh tế gia đình, đặc biệt ngày càng có nhiều tàu “67” để cùng nhau đoàn kết, bám biển, đồng thời góp phần giữ gìn, bảo vệ biển, đảo quê hương...

Ông Trần Công Thắng (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Chủ tàu vỏ gỗ bọc composite, có công suất lên đến 829 CV, hành nghề lưới rê, tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ đồng: - Gia đình tôi đã mơ ước có được con tàu công suất lớn từ lâu nhưng không có đủ nguồn vốn để làm. Khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, tôi mạnh dạn đăng ký vay vốn đóng thêm tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển. Hiện nay, gia đình tôi có 3 chiếc tàu, trong đó có một chiếc tàu vỏ gỗ bọc composite được đóng mới theo Nghị định 67 có công suất 829 CV và đã hạ thủy vào tháng 8-2016, 2 chiếc còn lại có công suất 460 CV và 330 CV. Sau khi tàu “67” hạ thủy, gia đình tôi đã đi khai thác ngoài biển xa, mỗi chuyến kéo dài khoảng 20 ngày. Có thể nói những con tàu cũ của gia đình do công suất thấp nên hiệu quả mang lại không bằng tàu “67”, mỗi chuyến chỉ đi được 10 ngày là phải vào bờ lại và thu nhập chỉ bằng một phần ba/chuyến biển so với tàu lớn. Thời gian sắp tới, tôi mong được vay vốn đóng thêm một con tàu “67” nữa, vừa có thể phát triển thêm kinh tế gia đình, vừa góp phần phát triển ngành thủy sản tỉnh nhà.

Có thể xem ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, Thuận Nam) là ngư dân đầu tiên làm chủ con tàu khai thác có công suất 1.070 CV đang được đóng mới, vỏ gỗ bọc composite, tổng vốn đầu tư trên 11,5 tỷ đồng. Với chất giọng đặc trưng “ăn sóng nói gió”, ông cho biết: - Gia đình tôi đã làm biển hơn 20 năm, nhưng trước giờ tàu của gia đình công suất nhỏ. Hai năm vừa rồi, tôi có đi đánh bắt ở khu vực Trường Sa, Nhà giàn DK1... thì thấy nguồn hải sản ở đó rất phong phú nên gia đình mơ ước có một con tàu lớn để ra đó đánh bắt hải sản, vừa đem lại thu nhập cho gia đình, đem lại nguồn lợi cho quê hương, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Sau khi nghe thông tin Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, gia đình tôi khẩn trương đăng ký và được cấp trên phê duyệt. Hiện nay, con tàu của tôi đang đóng tại cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Đại Thịnh (xã Cà Ná, Thuận Nam) để làm nghề mành chụp... Tôi rất tin tưởng là con tàu “67” này sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình… Cũng như ông Thanh, ông Đỗ Ngọc Liên (xã Phước Diêm, Thuận Nam), tuy đã có 1 chiếc tàu 400 CV và theo ông cho biết, 2 năm trở lại đây, gia đình thường xuyên đi đánh bắt tại ở khu vực Trường Sa, tuy nhiên, do tàu nhỏ, nên đánh bắt không đạt như mong muốn. Nghị định 67 đã biến ước mơ của ông thành hiện thực. Nay ông đã là chủ con tàu khai thác, vỏ gỗ bọc composite, với công suất 800CV, hành nghề câu, tổng kinh phí đầu tư trên 8 tỷ đồng. Tàu có với chiều dài 18,8 m, rộng 5,83 m, được trang bị đồng bộ hệ thống trang thiết bị hàng hải, hệ thống làm lạnh bảo quản thủy sản, phương tiện bảo hộ cho thuyền viên trên tàu...

Còn nhiều và nhiều ngư dân trong tỉnh có “chí lớn” và mong muốn được vay vốn để đóng những con tàu to theo sở nguyện để khai thác nguồn lợi các vùng biển xa đồng thời góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Bằng những chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ nói chung, tỉnh ta nói riêng sẽ có nhiều ngư dân trong tỉnh làm chủ những con tàu cá đủ sức vượt đại dương…