Ma Nới hôm nay

(NTO) Từ Quốc lộ 27, để vào đến xã Ma Nới (Ninh Sơn), chúng tôi phải đi xe máy gần 1 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm xã. Chạy xe giữa hai bên đường là rẫy bắp xanh mơn mởn, xa xa là núi rừng, con đường không còn bụi bay mịt mù trong mùa hanh khô hay lầy lội bùn đất mỗi mùa mưa đến. Thay vào đó là sự đổi thay bộ mặt nông thôn khi những con đường được bê-tông thẳng tắp, đời sống cũng được nâng cao.

 Ma Nới là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Sơn, với trên 90% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Trước đây, việc sản xuất của bà con còn phụ thuộc vào “nước trời”, chủ yếu trồng trọt tự phát, theo tập quán cũ, lạc hậu nên cây trồng không đạt năng suất, quan niệm “tự cung, tự cấp” làm cho cuộc sống bấp bênh, không ổn định. Vì vậy, để phát triển kinh tế, nâng cao nhu nhập cho người dân, những năm qua, xã luôn chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn như: Nâng cấp, sửa chữa công trình kênh mương thủy lợi Hà Dài, A Toa, Tà Lâm; nâng cấp và bê-tông tuyến đường giao thông trên địa bàn 4 thôn Hà Dài, Gia Hoa, Do và Tà Nôi, hay như áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa... Nhờ đó, năm 2016, nông dân trên địa bàn xã xuống giống 127 ha lúa chủ động nước, năng suất đạt 45 tạ/ha, sản lượng 572 tấn; 624 ha bắp lai đạt năng suất 50 tạ/ha, sản lượng 3.120 tấn... Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được chú trọng, với tổng đàn bò 2.150 con; dê 500 con; trâu 22 con; heo 1.500 con...

Đường giao thông Ma Nới được đầu tư giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.

Đang phơi lúa trước sân nhà, chị Katơr Thị Bé, thôn Gia Rót, tâm sự với chúng tôi: Ngày xưa trồng lúa, bắp đợi mưa rồi xuống giống đến ngày thì thu hoạch, nay đã có kênh mương chủ động nước sản xuất, đồng thời được hướng dẫn từ thời điểm xuống giống đến bón phân nên năng suất lúa cũng đạt gần 5 tạ/sào chứ lúc trước chỉ khoảng 2-3 tạ/sào. Đường giao thông cũng được đầu tư kiên cố nên rất thuận lợi cho việc đi lại buôn bán. Trồng được bắp, lúa bà con không còn trao đổi qua lại với nhau, đã có thương lái đến tận nhà thu mua nên bà con rất phấn khởi.

Cùng với phát triển kinh tế, từng bước đã có sự thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm của bà con như gia đình chị Tà Pôn Thị Quyên, thôn Gia Ú, thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm nuôi đứa con gái đầu ăn học đàng hoàng, hiện đã tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang... Đặc biệt hơn nữa là nhận thức của người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều gương điển hình tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động như: Bà Tà Pôn Thị Liên đã hiến hơn 120 m2 đất làm trường học; hộ ông K’ho Thiếu, bà Katơr Thị Kiên ở thôn Gia Rót, hiến hơn 100 m2 đất làm đường nội thôn...

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới đã khoác lên “chiếc áo mới” làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Các công trình điện, đường giao thông, trường học, y tế... ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Kinh tế phát triển đã góp phần giảm hộ nghèo hiện còn 60,54%. Tỷ lệ học sinh đến lớp được duy trì, người dân được chăm sóc tốt về y tế…

Dạo quanh trên địa bàn xã, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống đổi thay của đồng bào dân tộc Raglai nơi đây. Những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên ngày càng nhiều để thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ trước kia. Bên cạnh đó, những ngôi nhà gỗ cũng được dựng kiên cố, nền nhà được tráng xi măng tươm tất, sạch sẽ...

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ma Nới, cho biết: Do xuất phát điểm thấp, đến nay, xã mới đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trước mắt, xã vẫn có những thuận lợi là tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và hiện nay tinh thần quyết tâm của đồng bào địa phương trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên, bà con đã hiểu rõ và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, không còn ỷ lại, trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, xã Ma Nới trước đây gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vì vậy cấp ủy, chính quyền đã trình lên cấp trên để xét công nhận Xã an toàn khu, hiện tại đang trong quá trình khảo sát.