Chặng đường 25 năm phát triển các sản phẩm đặc thù

(NTO) Qua 25 năm phát triển, nền nông nghiệp tỉnh ta đạt được nhiều thành tựu, trong đó kết quả xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù gắn với quy hoạch vùng sản xuất đã có tác dụng nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường.

Ngày đầu tái lập tỉnh, nông nghiệp tỉnh ta phổ biến là sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, giá trị các mặt hàng nông sản thấp. Trước thực tế đó, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm đặc thù tạo chuyển biến tích cực. Ngày nay, các sản phẩm: nho, táo, tỏi, măng tây xanh… của tỉnh đã có mặt tại nhiều thị trường trên cả nước, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng vượt trội. Thành tích này có sự đóng góp tích cực của ngành Nông nghiệp, các địa phương trong việc chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm hướng trọng tâm vào đăng ký bảo hộ và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Nông dân xã xã Phước Hậu (Ninh Phước) trồng nho xanh theo quy trình VietGAP cho thu nhập cao.
Ảnh: V.M

Nhìn lại chặng đường xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù để thấy, cách làm của tỉnh ta theo quy trình chặt chẽ, chọn đúng những mặt hàng đặc trưng, khác biệt với những nơi khác để ưu tiên phát triển. Trước tiên, phải kể đến quả nho được xây dựng Chỉ dẫn địa lý đầu tiên và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận vào năm 2012. Thành công từ việc tạo dựng thương hiệu mạnh đã nâng cao giá trị sản phẩm nho tươi lên gấp 2 lần so với trước khi đăng ký bảo hộ. Cây nho nhờ đó đã khẳng định vị thế là loại cây trồng chủ lực, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, đạt hơn 1.200 ha hiện nay. Thành công nối tiếp thành công, mới đây sản phẩm thịt cừu cũng được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, đã chứng minh công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù luôn được quan tâm thực hiện. Ngoài ra, ngành chức năng, các địa phương cũng đã xây dựng 8 Nhãn hiệu tập thể, gồm: Nước mắm Đông Hải, Rau an toàn Văn Hải, An Hải; gốm Bàu Trúc; thổ cẩm Mỹ Nghiệp; táo Ninh Thuận; tỏi Phan Rang; măng khô Bác Ái và đang tiếp tục xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận... Các sản phẩm được cấp bằng bảo hộ đã nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc thù nhằm kết nối thị trường, thúc đẩy cơ hội mua bán sản phẩm. Chỉ tính giai đoạn 2012-2016, ngành chức năng đã tổ chức thực hiện 20 chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh, đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhất là tìm được đầu ra ổn định cho hàng nông sản tại các thành phố lớn có tiềm năng; đồng thời, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại nhiều nơi trong cả nước. Kết quả đến nay, các sản phẩm đặc thù của tỉnh đã có mặt trong kênh phân phối uy tín như hệ thống Co.opmart, Vinmart, Big C, Lotte, các chợ đầu mối tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) phấn khởi thu hoạch tỏi vụ mùa.
Ảnh: Sơn Ngọc

Xác định phát triển các sản phẩm đặc thù không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp, nên UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như từ sự hỗ trợ của Nhà nước, Doanh nghiệp Tư nhân SX-TM&DV Ba Mọi đã liên kết với các tổ, nhóm, HTX trồng nho trên quy mô lớn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Với cách làm này, không những giúp doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn giúp các thành viên trong tổ, nhóm an tâm về đầu ra của sản phẩm.

Tiếp tục phát triển sản phẩm đặc thù, giai đoạn 2016-2020, định hướng của tỉnh là tập trung đầu tư các loại cây có tỷ trọng hàng hóa và hiệu quả sản xuất cao. Trong đó, nho, táo, tỏi, măng tây xanh... là những loại cây trồng lợi thế sẽ xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Giải pháp để đảm bảo phát triển các loại cây trồng đặc thù bền vững là đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, lai tạo giống mới, nhất là giống nho ăn tươi, nho rượu có sức đề kháng sâu bệnh, năng suất cao; giống măng tây xanh. Canh tác theo hướng VietGAP để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các sản phẩm đặc thù để nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng ở những vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm…