VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Nông sản sạch - Trách nhiệm của cộng đồng!

(NTO) Xây dựng nếp sống văn hóa: “Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn” là yêu cầu đặt ra không chỉ đối với người sản xuất nông nghiệp nói chung mà còn là trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát giác, giám sát… các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, trong nông nghiệp nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý VSATTP, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh trong thực phẩm nông, thủy sản, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nông dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn thực phẩm. Ảnh: Sơn Ngọc

Để thực hiện đạt kết quả cao mục tiêu đề ra, Kế hoạch tập trung vào việc triển khai quy hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (đạt ít nhất 1 cơ sở trong năm); quy hoạch các vùng sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Tăng cường truyền thông kiến thức, pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản an toàn, các quy định xử phạt vi phạm hành chính… với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP. Đồng thời, tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP, tập trung vào thực phẩm tươi sống nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan nhằm phát hiện, điều tra, xử lý các cơ sở buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón… ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, tổ chức thanh tra đột xuất…

Toàn tỉnh hàng năm có gần 80 ngàn ha đất đất canh tác và trên 1.000 ha nuôi trông thủy sản với đa dạng chủng loại cây trồng, rau màu, thủy sản…Cho nên, để nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản, rút ngắn “khoảng cách” từ kế hoạch đến thực tiễn thực hiện, vấn đề đặt ra là cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về ATTP, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP; tăng cường quản lý ngay từ khâu đầu vào sản xuất. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông, thủy sản, thực phẩm an toàn… Song hành với công tác quản lý nhà nước, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, chế biến nông, thủy sản để nâng chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng… Thực tế cho thấy, để bảo đảm VSATTP trong nông nghiệp, hơn đâu hết chính ngay tại cơ sở xã, phường; thôn, khu phố là hiểu rõ ràng nhất từ nông hộ đến cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo ATTP hay không. Cho nên, cần tăng cường khâu giám sát của khu dân cư như tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của người dân đối với hành vi vi phạm ATTP của các nông hộ, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và chế biến, kinh doanh thực phẩm ở cộng đồng dân cư…Chính quyền địa phương cần tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của người dân đối với hành vi vi phạm. Mặt khác, cần biểu dương các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tốt cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP. Ngoài ra, các ngành chức năng cần giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn đã được kiểm soát và chưa được kiểm soát. Xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản an toàn, nhân rộng mô hình sản xuất, mua bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn và tiêu thụ....