Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh

LTS: Ngày 16-2-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân nên Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về xây dựng nông thôn mới từng bước được nâng lên; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy hiệu quả; thu nhập và đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,68 tiêu chí/xã và không còn xã dưới 7 tiêu chí. Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng nông thôn mới ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững; đời sống vật chất, tinh thần người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập vẫn còn thấp; sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả và thiếu tính liên kết; cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn thấp, chưa hiệu quả, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tình hình an ninh trật tự khu vực nông thôn có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.

Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu một số nguyên nhân sau: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn thấp, chưa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực của xã hội; việc áp dụng, vận dụng và lồng ghép các nguồn lực còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chất lượng, nội dung và giải pháp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu, còn nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 50% số xã và có từ 1- 2 huyện đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nội dung trọng tâm sau đây:

1- Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15-12-2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016-2020 ; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 25-5-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia.

2- Nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh về vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục triển khai sâu rộng, thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Xác định nông thôn mới phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững.

Xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững, không chạy theo thành tích và không làm phát sinh nợ đọng; chú trọng đến các tiêu chí về đời sống người dân, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của các vùng, miền và bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới phải gắn kết chặt với Chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án hỗ trợ khác trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương phải xác định rõ tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo; tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới để phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện công khai các khoản đóng góp của người dân, tổ chức điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân đối với tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện Chương trình.

3- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách, bảo đảm phù hợp và đủ mạnh để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chú trọng các cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực nông thôn; phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu hút nhiều lao động. Nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo hướng gắn quy hoạch hạ tầng với quy hoạch sản xuất, bố trí dân cư.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất theo hướng chuỗi giá trị bền vững, với quy mô sản xuất hàng hóa. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm túc việc công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo chất lượng, thực chất. Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm về xây dựng nông thôn mới đảm bảo rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tiễn; đẩy mạnh việc phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và cá nhân; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.

- Tiếp tục huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ; chú trọng đẩy mạnh thu hút các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa cho công tác bảo vệ, xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, đảm bảo đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí; ưu tiên đầu tư cho các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020.

- Đẩy mạnh việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh đến huyện, xã gắn với rà soát, củng cố, nâng cao năng lực bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục phân công các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh trực tiếp giúp đỡ các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

4- Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy.

5- Đảng đoàn Ủy ban MTTQVN, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ các tổ chức, cá nhân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tham gia giám sát, phản biện việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

6- Ban Tuyên giáo tỉnh ủy chỉ đạo, quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để người dân biết và tự giác tham gia.

7- Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị để chỉ đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các ban đảng tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.