Tản mạn chuyện “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”

(NTO) “Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”-thấy anh ngâm nga, tôi chọc vui: Chà, tài năng nở muộn, nay mới biết bác có tài ngâm thơ. Không để ý đến lời khen, anh nói: Ngẫm lời cảnh báo của cụ Nguyễn Bính về bản sắc ứng với bây giờ chẳng sai. Ví như cái chuyện “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” cái đẹp nết na là thế cũng dần bay đâu rồi!?

Rồi anh trầm ngâm: Thời xưa, trong mỗi gia đình, người ta đã khuyên bảo nhau từ những việc rất cụ thể: ăn thế nào, ngồi thế nào, đi đứng ra sao. Chẳng là xưa kia, sống trong đại gia đình dòng tộc (gia đình nhiều thế hệ ở trong một căn nhà hoặc nhà ông bà, cha mẹ, anh em ở liền kề nhau trong khuôn viên của gia tộc), thường chẳng dư dả gì. Cơm trắng chỉ có ngày tết, giỗ chạp hoặc mỗi khi nhà có khách và thường thiếu không đủ cho mọi người. Đông người ăn, còn hết, nhiều ít nếu không để ý khách cũng chẳng có cơm mà ăn. Vậy nên tốt nhất là hãy để ý tới nồi cơm để tránh những gì nên tránh. Đẹp mặt mình mà cũng vừa lòng người khác. Ăn trông nồi là vậy! Còn ngồi trông hướng? Hướng ở đây không hẳn là bốn phương, tám hướng, mà là vị thế ngồi của mỗi cá nhân trong tương quan với người khác. Tùy ở cương vị trong gia đình, giới tính và tuổi tác mà ngồi đúng vị trí. Vì thế, ở nhà hay ngoài xã hội mỗi cá nhân phải tự nhận biết để điều chỉnh hành vi. Chú ý sự khác biệt nhất định giữa chủ và khách, giữa yếu nhân và người thường, giữa già và trẻ. Việc đi đứng cũng phải đúng phép tắc, không đi ngang qua mặt người hoặc quay lưng vào người lớn tuổi, người giữ vai trên trong gia đình, dòng tộc, khách quý... thể hiện sự tôn trọng, lễ phép. Ngoài ra cần phải lưu tâm đến không khí: Trọng thể hay thân mật, vui vẻ hay buồn đau, thân hay sơ... Tất cả phải được xác định cho cụ thể để ứng xử cho phải lẽ.

Nghe anh kể tôi nhớ lại lần gần đây nhất khi đi du lịch, cả nhóm các cô, các chú cùng nhau ăn tối tại một nhà hàng hải sản. Chẳng may món sò điệp nướng nhà hàng chỉ còn một dĩa, cháu gái tám tuổi thích ăn mọi người đều nhường cho bé. Bữa ăn, mẹ cháu không nói gì nhưng sau đó chị nhẹ nhàng thổ lộ: Cô chú thương cháu thì đừng chiều như vậy bởi vô tình giúp cháu hình thành tính ích kỷ, chỉ biết mình, không có trên, có dưới. Thì ra thế, vậy mà ở nhà vợ chồng tôi có gì ngon đều dành hết cho bé út, thậm chí bé ăn dư mới đến lượt cha mẹ, anh chị. Và tính cách của cháu đang hình thành đúng như chị nói. Rồi chị cho biết thêm: Mỗi khi có nội, ngoại, cậu mợ tới chơi dùng cơm, cả nhà quây quần ngồi sàn nhà ăn uống cho vui vẻ, có lúc đứa út ngồi quay ngang với mọi người, vừa ăn, vừa xem video hài trên You Tube, cha mẹ nhắc thì ông bà bảo, con trẻ để nó thoải mái; đứa lớn thì vô ý đi cắt ngang mặt ông bà nội, ngoại, nhắc thì nó cười hề hề “con quên”. May mà toàn người nhà cả, chứ ra ngoài mà như vậy cha mẹ mang tội dạy con không biết lễ nghi, phép tắc.

Chuyện ăn uống, đi đứng của con trẻ làm tôi nhớ lại những lần làm việc nơi công sở. Có những người vừa đi, vừa ăn, vừa nói vô tư ngoài hành lang như chỉ có một mình; người thì kéo lê đôi dép trên sàn phát ra tiếng hoặc ai đó dùng giày, guốc cao gót nện cộp cộp, có người nói cười lớn đến mức ở lầu hai mà dưới tầng trệt vẫn nghe vang rõ mồn một...

Chuyện “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” không chỉ là chuyện ăn, chuyện ngồi nữa, mà là phong thái, cử chỉ văn hóa của mỗi cá nhân, đòi hỏi sự ứng xử tinh tế, khéo léo, hành vi tốt đẹp của con người. Qua đó hình thành sự tinh nhạy, tự trọng, luôn ý thức được phẩm giá của mình và biết hành xử theo phẩm giá ấy.