CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Ứng xử văn hóa trong du lịch!

(NTO) Khi đời sống, kinh tế phát triển đã kéo theo nhu cầu đi du lịch để “thư giãn”, nạp lại năng lượng sau những ngày làm việc căng thẳng mưu sinh. Cũng có không ít gia đình có điều kiện kinh tế thường chọn “phương án” đi du lịch để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu giao thoa văn hóa khắp nơi cả trong và ngoài nước...

Đặt biệt, cùng với sự phát triển của cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách… đã giúp ngành Du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhất là trong những dịp nghỉ lễ, tết.

Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2016, ngành Du lịch trong tỉnh đã đón tiếp trên 1,7 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong số này có hơn 55 ngàn lượt du khách quốc tế. Nếu so với “tứ giác” du lịch: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận thì con số trên chưa phải là cao nhưng cũng đã tạo được những “làn sóng” du lịch đến tỉnh ta, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa đất và người Ninh Thuận vốn thân thiện, mến khách trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Điều cũng đáng nói nữa là du lịch phát triển đã tạo nguồn thu xã hội đáng kể, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Theo kế hoạch, trong năm 2017 này thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 870 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với con số thực hiện năm 2016…Đây là những tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, để du lịch tỉnh nhà thực sự phát triển chiều sâu còn nhều việc phải làm, trong đó điều cần chú trọng là văn hóa ứng xử cả người làm du lịch và cả du khách. Một số người quen, đồng nghiệp của tôi không ít lần phàn nàn về tình trạng “dễ dãi” trong quản lý cũng như ứng xử khi đến du lịch tại tỉnh. Đơn cử như, khu vực bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử hầu hết du khách đều công nhận đây là bãi biển đẹp, nước biển trong xanh, sạch để du khách thỏa sức đắm mình và cảm nhận được sự yên bình vốn có nơi đây…Chỉ có điều nếu như không có tình trạng tụ tập ăn nhậu, hát hò quá mức trên bãi biển thì sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt hơn cho du khách. Ngay cả những người dân tắm biển thường ngày tại bãi biển này cũng phàn nàn về tình trạng mảnh chai, vỏ sò , rác…được du khách, kể cả những người bán hàng chôn lấp dưới cát, thậm chí là vứt tại chỗ làm “ghê ” chân người đi dạo, nếu sơ ý có thể bị đứt chân như chơi!. Hay như tại các làng nghề du lịch như dệt Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc, vệ sinh môi trườngchưa được chú trọng, rác thải vương vãi trên đường…làm cho du khách đến đây có cảm giác khó chịu. Một số điểm du lịch tình trạng đeo bám, chèo kéo, giao tiếp không lịch sự đối với du khách chưa được giải quyết triệt để…cũng dễ làm nản lòng du khách để rồi “một đi không trở lại”. Nhiều du khách góp ý nên xây dựng bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ thực sự là bãi biển văn hóa, tạo môi trường du lịch văn minh. Muốn vậy thì phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức của những người trực tiếp buôn bán, kinh doanh, tạo nét đẹp về đạo đức, văn hóa trong giao tiếp với du khách, ứng xử hài hòa thiên nhiên, giữ vệ sinh môi trường…

Tỉnh ta đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử về văn hóa du lịch. Trong đó, đối với các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phục vụ du lịch có 11 quy định nên làm như: Ứng xử đúng mực, tôn trọng khách; Có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ khách; Luôn sẵn sàng nói: “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”, “Xin chào và hẹn gặp lại quý khách (anh/chị)”. Biết lắng nghe, chia sẽ, tiếp thu ý kiến của khách; Giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp tại các khu vực phục vụ khách du lịch…Có 7 điều không nên như: Phân biệt đối xử với khách du lịch; Đeo bám, chèo kéo, làm phiền khách du lịch; Lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính; Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để hoạt động kinh doanh… Đối với khách du lịch có 8 điều quy định nên làm như: Trang phục lịch sự và phù hợp với điểm tham quan du lịch, nhất là khi đến những nơi tôn nghiêm như nhà thờ, chùa, miếu, đền tháp, nghĩa trang liệt sĩ, lễ hội truyền thống…; Sử dụng có kiểm soát bia, rượu và các loại nước uống có cồn; Có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và môi trường tự nhiên…Có 4 điều không nên: Gây ồn ào, mất trật tự hoặc nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh; Vứt rác hoặc khạc nhổ bừa bãi, đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; Hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng…

Có thể nói, đây là những quy tắc ứng xử văn minh, tôn trọng lẫn nhau giữa du khách với người làm du lịch. Nếu mọi người cùng quan tâm thực hiện thì không những mức độ hài lòng của du khách tăng cao mà còn tạo nên hình ảnh mới cho du lịch tỉnh nhà, nhất là trong dịp Tết nguyên đán 2017 này.