Tự hào hàng Việt

(NTO) Qua 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã thu được nhiều kết quả, vượt ra ngoài khuôn khổ của một phong trào. Riêng trên địa bàn tỉnh ta, với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, đơn vị, cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, mang lại niềm tin “Tự hào hàng Việt”, tạo cơ hội rộng mở hơn với các thương hiệu Việt…

Nhìn nhận khách quan, có thể nói Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo sự chuyển biến tích cực và có được sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ chính là nhờ công tác thông tin, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị. Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội, các ngành, các cấp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến các tầng lớp nhân dân, gắn với các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Người dân tham quan, mua sắm hàng hóa tại các phiên chợ hàng Việt. Ảnh: V.M

Nội dung tuyên truyền luôn đề cập đến vấn đề: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội”; “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ doanh nghiệp chân chính”… Nổi bật là các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh đã mở nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về cuộc vận động; giới thiệu các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; bình ổn giá, xúc tiến thương mại; các giải pháp kích cầu, tăng năng lực cạnh tranh và khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, các thương hiệu uy tín trong nước, trong tỉnh về việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng. Nhiều bài viết biểu dương các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động; phê phán những đối tượng vi phạm pháp luật về gian lận thương mại, các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết, từ đó chọn lựa hàng hóa đảm bảo chất lượng để sử dụng...

Từ nhiều góc độ tuyên truyền và hiệu quả từ cuộc vận động mang lại, có thể nói chưa bao giờ tâm lý “chuộng hàng Việt” lại lên ngôi như thời gian gần đây. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường TH Đài Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) nhớ lại, khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, ban đầu cả 4 thành viên trong gia đình không có ấn tượng gì. Thế nhưng đến giờ, gia đình đã trở thành “mối ruột” của hàng Việt. “Cái hay là gần 50 giáo viên nữ tại trường tôi công tác, gần như 100% đều chọn hàng Việt để mua sắm”- cô giáo Tuyết Nhung cho biết thêm. Còn bà Huỳnh Thị Mỹ Quyên, chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thì nhận mình đã “nghiện” hàng Việt. Từ góc độ của người làm kinh tế, bà tính toán, nếu hàng Việt có mức giá cạnh tranh hơn nữa thì nhiều loại hàng nhập khẩu sẽ không còn chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng…

Các sản phẩm của Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Ảnh: Thanh Xuân

Để người tiêu dùng tin và “chuộng hàng Việt”, không thể không nói đến sự nhập cuộc của các ngành chức năng và các doanh nghiệp. Hưởng ứng cuộc vận động và nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng những hàng hóa đảm bảo chất lượng, với giá cả hợp lý của người dân vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị: Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất DV&TM Thy Thy... đã tổ chức “Đưa hàng Việt về nông thôn” để phục vụ người tiêu dùng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các doanh nghiệp trên đã thực hiện 44 đợt đưa hàng Việt về phục vụ nhân dân vùng nông thôn, miền núi, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành Công Thương cũng đã tổ chức các hội chợ thương mại, triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đẩy mạnh giao thương và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Kết quả, có 37 lượt cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia hội chợ kết nối giao thương với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) Nguyễn Hải Đông, hào hứng: Mỗi lần tham gia cuộc vận động thông qua chương trình bán hàng bình ổn giá, phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn…, tôi đều trực tiếp có mặt để lắng nghe những góp ý của khách hàng, từ đó có cung cách phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn…

Đồng chí Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người sản xuất và tiêu dùng trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, xem đây là hành động thiết thực để thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt. Tập trung triển khai tốt Đề án Phát triển thị trường trong nước, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thúc đẩy nâng cao việc sản xuất, phân phối hàng hóa, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Tập trung phát triển hệ thống kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, nhất là phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết: Sản xuất-phân phối-tiêu dùng, nhằm tạo lập và phát triển thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa các mặt hàng thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng, nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và đảm bảo an sinh xã hội…