Khát vọng sông Dinh

(NTO) Dự án đập hạ lưu sông Dinh được thực hiện theo Quyết định 2171/QĐ-UBND ngày 2-10-2015 của UBND tỉnh. Công trình được triển khai tại địa bàn 2 xã, phường (phường Tấn Tài thuộc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và xã An Hải thuộc huyện Ninh Phước).

Đập sông Dinh với kết cấu đập trụ đỡ trên đoạn sông rộng 500m cách cầu Đạo Long I khoảng 1,8km về phía biển, được thiết kế theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN-285-2002-công trình thủy lợi. Đập bao gồm các hạng mục: Đập dâng tạo hồ chứa nước, có 6 cửa van thép điều tiết nước, đóng mở bằng hệ thống điện tử. Các cửa van có âu thuyền rộng đảm bảo khả năng cho thuyền du lịch dài 6m, rộng 3m qua lại bình thường. Nằm kế thân đập là cầu giao thông nối 2 bờ sông Dinh được thiết kế cho 4 làn cho xe ô tô và 2 làn cho người đi bộ. Chiều dài cầu 480m, chiều rộng cầu là 18m. Dự án do Chi cục thủy lợi làm chủ đầu tư, thi công trong năm 2015-2017, tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Phối cảnh Dự án Đập-cầu giao thông sông Dinh.

Đánh dấu 41 năm giải phóng, 24 năm tái lập tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, năm 2016, tỉnh ta bắt đầu xây đập hạ lưu sông Dinh, “thuần phục” dòng nước sông Dinh đưa vào phục vụ công cuộc phát triển KT-XH, dân sinh trên địa bàn.

“Thuần phục” sông Dinh

Sông Dinh (Sông Cái) là sông lớn nhất của tỉnh, dài hàng trăm km, có hướng chảy từ Bắc-Đông Bắc về phía Nam-Đông Nam và là hợp lưu của nhiều sông suối nhỏ. Phần lớn lưu vực sông Dinh chảy qua các vùng núi cao, chỉ đến vị trí cách cửa sông khoảng 16 km địa hình mới mở rộng dần tạo nên vùng đồng bằng bán sơn địa và đồng bằng ven biển. Dòng chảy trên sông Dinh rất dồi dào, bình quân hàng năm khoảng 2,5 tỷ m3. Tuy nhiên, do dòng chảy phân phối không đều nên mùa lũ thường tập trung trên 80% lượng dòng chảy trong năm, gây nên tình trạng ngập lụt trên diện rộng hai bên bờ sông Dinh. Mùa khô lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 15% đến 20% lượng dòng chảy trong năm gây khô hạn, xâm thực mặn vùng hạ lưu.

Trong khi đó, những năm gần đây do nạn chặt phá rừng ở thượng nguồn, thảm phủ thực vật bị xâm hại làm cho dòng chảy mùa kiệt trên sông Dinh bị suy giảm mạnh, dẫn đến lưu lượng dòng chảy trên sông nhỏ và không đều nên không đủ khả năng đẩy mặn, khi triều lên mặn xâm nhập sâu về phía thượng lưu. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, hạn hán khốc liệt, vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc không khai thác được một nguồn tài nguyên nước lớn, vô cùng quý báu trên sông Dinh để phát triển KT-XH, phục vụ dân sinh, đây là một điểm bất lợi đối với tỉnh!

Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Dự án xây dựng công trình Đập hạ lưu sông Dinh (đập sông Dinh) để phục vụ phát triển KT-XH đã được tỉnh ta lên phương án triển khai từ năm 2005. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế còn khó khăn, phải đến sau cơn đại hạn năm 2015 nối dài sang 2016, Dự án đập sông Dinh mới được khởi động lại và được đưa vào công trình triển khai cấp bách xây dựng để phục vụ công tác ngăn mặn, điều tiết giữ nước nước ngọt phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm: Hiện nay, chủ đầu tư-Chi cục Thủy lợi tỉnh đang phối hợp với UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù để tổ chức khởi công trong đầu quý II-2016. Dự kiến, theo tiến độ đến giữa quý III-2016 sẽ ngăn dòng bằng đập đất để giữ nước tạm thời phục vụ ngăn mặn xâm thực, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân 2 bên lưu vực sông Dinh và phục vụ công trình xây dựng. Đến cuối năm 2017, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đánh thức sông Dinh

GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam (đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án), cho biết: “Đầu tư xây dựng đập sông Dinh có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Ninh Thuận, khi hoàn thành, tính từ phần chân đập ngược lên thượng lưu sẽ là một dòng sông với mực nước cao trình 2,5m, công trình sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH, dân sinh của tỉnh”.

Trực tiếp, công trình sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ sông đoạn qua Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và xã An Hải (Ninh Phước); tạo hồ chứa giữ nước ngọt khoảng 4 triệu m3 (về phía thượng lưu), cung cấp chủ động nước tưới cho khoảng 750 ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 200 ha nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt khoảng 1.200 hộ và khoảng 24.000 vật nuôi ở khu vực xây đập; tạo nguồn để xây dựng hệ thống cấp nước cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và cấp nước bổ sung cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đồng thời cấp nước bổ sung cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Nam, Ninh Phước; với cao trình 2.5m, cả lưu vực sông Dinh từ bờ đập sông Dinh lên đến đập Lâm Cấm sẽ là lòng hồ nước, tạo thoáng điều hòa khí hậu khu vực Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và vùng lân cận. Cùng với kết hợp cầu giao thông bên thân đập, tạo điều kiện để phát triển giao thông bộ theo hướng quy hoạch Tp. Phan Rang-Tháp Chàm hai bờ sông nối với huyện Ninh Phước, mở rộng quy hoạch đô thị, phục vụ phát triển du lịch, tạo cảnh quan môi trường và sắp xếp dân cư 2 bên bờ sông. Ngoài ra, công trình nằm gần cuối cửa sông đổ ra biển, đây là cửa sông chính tiêu thoát lũ cho lưu vực sông Dinh, còn đảm bảo khả năng cắt lũ, thoát lũ nhanh.

Ông Nguyễn Tám (thôn An Thạnh, xã An Hải, Ninh Phước), chia sẻ: “Mấy năm nay thời tiết thay đổi, hạn hán nhiều, sông Dinh khô kiệt nên biển xâm thực mặn, ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, sinh hoạt của bà con 2 bờ sông. Nay tỉnh đầu tư xây đập điều tiết nước sông Dinh sẽ giải quyết được thực trạng này, tạo điều kiện tốt cho bà con sinh sống, tạo giao thương thuận lợi cho người dân”. Anh Nhân, chủ quán Bến Sông Trăng, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) hồ hởi: “Trước đây, tôi cũng đã mở dịch vụ thuyền du lịch trên sông Dinh, thu hút rất đông du khách nhưng do mực nước sông Dinh không ổn định nên bị hạn chế rất nhiều. Nay mai, khi đập sông Dinh hoàn thành, cả một dòng sông với mực nước lý tưởng sâu 2-3m sẽ tạo cơ hội cho phát triển kinh doanh dịch vụ bên sông, nhất là dịch vụ đi thuyền trên sông Dinh”. Còn dưới góc nhìn nhà kinh doanh bất động sản, ông Lê Đăng Khánh, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phú Thịnh tại Ninh Thuận: “Việc ngăn đập sẽ hình thành một dòng sông đầy nước uốn lượn ven Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và phía Nam của tỉnh. Đây sẽ là cơ hội đánh thức các tiềm năng kinh tế, nhất là lĩnh vực quy hoạch đô thị, đất ở, nhà ở phục vụ dịch vụ thương mại, du lịch và dân sinh ở 2 bên bờ sông. Với xu thế phát triển mở rộng ra phía Nam của trung tâm thành phố, trong tương lai khu vực 2 bờ sông sẽ là khu đô thị sầm uất, xinh đẹp”.

Khi đập sông Dinh hoàn thành và đưa vào sử dụng, dòng sông Dinh sẽ không còn tĩnh lặng và lắng xuống mỗi khi mùa khô hạn đến. Những làng quê, khu dân cư bên dòng sông Dinh đã, đang dần chuyển mình theo nhịp sống đô thị hóa. Đây thực sự là những cú hích và điểm nhấn quan trọng tạo đà cho phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và đô thị ven dòng sông Dinh sẽ được đánh thức.