Bác Ái: Một chặng đường phát triển

(NTO) Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại huyện miền núi Bác Ái, vùng đất anh hùng trong thời kháng chiến đang từng bước nỗ lực vươn lên. Qua 41 năm tỉnh nhà được giải phóng, đặc biệt sau hơn 15 năm tái lập huyện, Bác Ái đang cho thấy sự “chuyển mình” đáng ghi nhận, dù còn đó không ít khó khăn và thách thức.

Bác Ái là huyện miền núi thuộc diện 30a, được tái lập từ năm 2001. Nhớ lại thời điểm khi huyện mới tái lập, bà Mấu Thị Bích Phanh, cán bộ hưu trí, cho biết: Ngày ấy mặt bằng dân trí thấp, điều kiện sản xuất thiếu thốn, nên đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm trên 70%. So với hiện nay, có thể nói Bác Ái đã có cả một sự đổi thay rất lớn trên tất cả các mặt.

Một góc khu tái định cư xã Phước Bình.

Để tìm hiểu về sự phát triển đi lên của Bác Ái, chúng tôi thực hiện một chuyến hành trình từ xã Phước Đại-trung tâm huyện đến những xã vùng sâu, vùng xa như Phước Bình, Phước Thành… Sự đổi thay đáng kể nhất có thể nói đến của huyện, đó là hệ thống giao thông. Ngoài tuyến Quốc lộ 27B huyết mạch được đầu tư mở rộng kéo dài từ ngã tư Ninh Bình (Ninh Sơn) chạy dọc qua 5 xã trên địa bàn huyện đến tận Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa, thì hiện nay Bác Ái đã có thêm những tuyến đường kết nối giao thông trọng điểm, như: Từ Quốc lộ 27B đi Phước Bình dài gần 40km; tuyến đường kết nối 3 xã Phước Trung-Phước Chính-Phước Đại… Đây là những cung đường quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bức phá vươn lên của địa phương. Đồng bộ với hệ thống giao thông là sự đầu tư rất lớn về hệ thống thủy lợi, kênh mương của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cho Bác Ái. Hiện nay, với hệ thống hơn 40 công trình hồ đập, ao chứa nước và nhiều công trình kênh mương, thủy lợi cấp 2, 3…, sản xuất nông nghiệp của huyện luôn được đảm bảo điều kiện sản xuất khá tốt, với diện tích gần 2.000ha hàng năm.

Nông dân huyện Bác Ái đầu tư trồng cây cà phê. Ảnh: T.Long

Song song với đầu tư về kết cấu hạ tầng, huyện Bác Ái cũng đã triển khai thực hiện kịp thời những chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân, mà trọng tâm là các mô hình sản xuất mới; chú trọng đưa các loại cây trồng mới, có năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào sản xuất. Qua đó, giúp tăng hệ số sử dụng đất của huyện từ 0,9 lần lên gần gấp 3 lần so với những năm trước; các loại cây trồng kém hiệu quả cũng đã dần được nông dân loại bỏ. Từ những diện tích đất kém màu mỡ, đến nay, huyện Bác Ái đã tạo được diện tích canh tác lúa nước gần 2.000ha/năm; khoảng 4.000ha cây bắp/năm; chuyển đổi mới và đang tiếp tục duy trì gần 1.200ha cây ăn trái, như: sầu riêng, chuối, mít… Hiện nay, huyện cũng đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới cho 9/9 xã. Đây là cơ sở để các xã xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng năm phù hợp với từng vùng, thửa đất và mùa vụ, tạo điều kiện để người dân vươn lên phát triển kinh tế.

Niềm vui được mùa của nông dân huyện Bác Ái. Ảnh: V.M

Trên chặng đường phát triển đi lên của Bác Ái, một trong những niềm vui lớn nhất mà chúng tôi tìm hiểu và cảm nhận được, đó chính là sự chuyển biến rõ rệt về ý thức nỗ lực vươn lên không chỉ của Đảng bộ, chính quyền huyện mà có cả sự chung sức của Nhân dân. Trải qua những ngày đầu tái lập huyện với muôn vàn khó khăn, hiện nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện hàng trăm tấm gương nông dân sản xuất giỏi, nông dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu, nông dân đóng góp xây dựng nông thôn mới… Điển hình có thể kể đến việc 16 hộ dân trên địa bàn các thôn Trà Co 1, Trà Co 2, Suối Đá (xã Phước Tiến) hiến hơn 2.200m² đất để làm đường giao thông nông thôn, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí giao thông trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Không đâu xa, thực tế ngay giữa mùa hạn hán đang diễn ra khốc liệt như hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn các xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Đại… đã chủ động trồng cỏ, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp dự trữ làm thức ăn cho đàn gia súc; tự chuyển đổi nhiều mô hình cây trồng chịu hạn; mô hình tưới nước tiết kiệm khá hiệu quả… Tất cả điều đó cho thấy, ý thức của người dân trong sản xuất đã được nâng lên rõ rệt, đây cũng chính là tiền đề để huyện Bác Ái tiếp tục nỗ lực vươn lên trong thời gian tới.

Nhìn lại chặng đường hơn 15 năm tái lập, có thể nói huyện Bác Ái đã gặt hái được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Về Bác Ái hôm nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm… gần như đã hoàn thiện. Đời sống nhân dân đã cải thiện hơn rất nhiều so với trước. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu: Tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh… Theo đó, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất hằng năm từ 15% trở lên; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng nông-lâm nghiệp lên 55%, thương mại-dịch vụ 35% và công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng chiếm 10%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5-6%/năm. Riêng năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong điều kiện thiên tai như hiện nay, công tác ứng phó với hạn hán đang được địa phương ưu tiên triển khai quyết liệt. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tập trung tích hợp nhiều giải pháp tạo cơ hội kéo dài thời gian thực hiện các chính sách theo cơ chế đặc thù, như: Chương trình 102; 755; 116; Tây Nguyên… nhằm tạo thêm nguồn lực và điều kiện thuận lợi để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.