Giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đâu là giải pháp ?

(NTO) Những năm gần đây, rất nhiều sinh viên của tỉnh sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm các công việc không đúng với chuyên môn. Thực trạng này đang trở thành vấn đề đáng quan tâm của xã hội.

Vay tiền đi học, ra trường thất nghiệp

Chúng tôi tìm đến quán cà phê nằm trong con hẻm nhỏ tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, nơi Phạm Thị Mỹ Ly đang làm việc. Tạm gác việc chạy bàn, Ly tâm sự: Nhà em ở huyện Thuận Bắc, đã tốt nghiệp khoa Văn hóa, Trường Đại học Đà Lạt đến nay đã được 3 năm. Khi mới ra trường cũng háo hức xin việc làm để trả khoản nợ gần 40 triệu đồng mà gia đình đã vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để em có điều kiện học tập. Dù đã nộp hồ sơ ở rất nhiều nơi trong tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào tiếp nhận. Hiện tại, để phụ giúp gia đình, em phải thuê nhà trọ tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm để chạy bàn trong quán cà phê, với công việc bấp bênh và thu nhập không ổn định.

Phạm Thị Anh Hòa, xã Bắc Phong, Thuận Bắc cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) gần 4 năm nay, trò chuyện với chúng tôi, Hòa cho biết: “Gia đình em thuộc diện khó khăn, lúc biết tin em đậu đại học, cả nhà ai cũng vui mừng, cố gắng vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 40 triệu đồng cho em đi học. Nhưng đến giờ tiền vay vẫn chưa trả hết, việc làm đúng chuyên môn cũng chưa có, mặc dù em đã nộp hồ sơ xin việc ở rất nhiều nơi…”. Để phụ giúp gia đình trả nợ và kiếm việc làm tạm thời, Hòa đã lên Lâm Đồng làm việc trong một quán cà phê.

 
Nhiều sinh viên nộp hồ sơ tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Những trường hợp như Ly, Hòa cũng là cảnh ngộ chung của rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học ra trường. Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho hay: Từ đầu năm đến nay, có khoảng 700 hồ sơ của thanh niên có bằng cao đẳng, đại học đến trung tâm để tìm việc làm. Thực tế trong số đó tìm được việc làm đúng chuyên môn rất ít, nhiều lao động có trình độ cao đẳng, đại học đã phải chấp nhận làm một số việc trái ngành, trái nghề, thậm chí chấp nhận cả công việc chỉ đòi hỏi trình độ lao động phổ thông. Có những lĩnh vực doanh nghiệp rất cần tuyển dụng nhưng lại thiếu, ngược lại lĩnh vực không cần thì lại rất thừa. Điều này cho thấy sự lựa chọn ngành nghề học tập chưa phù hợp, đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế xã hội.

Giải pháp nào để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp?

Trong rất nhiều buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nhiều cử tri đã phản ánh tình trạng con em tốt nghiệp đại học, cao đẳng không xin được việc làm. Trên thực tế, không riêng gì tỉnh ta, tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đang là thực trạng chung trên cả nước. Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Riêng ở khối các cơ quan nhà nước, hiện nay, việc tuyển dụng mới gần như “khép lại” vì thực hiện tinh giản biên chế hàng năm theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Do vậy, đối với các sinh viên sau khi tốt nghiệp, “kênh” tìm việc làm khả thi nhất vẫn là tại các doanh nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, tình trạng “cung đã vượt cầu” nên cũng rất khó khăn. Vì vậy, đối với các sinh viên của tỉnh hiện nay và trong tương lai cần phải nỗ lực trong việc học tập, trau dồi thêm kiến thức về ngoại ngữ, tin học, có như vậy cơ hội tìm việc làm sẽ thuận lợi hơn.

Còn theo đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT, để hạn chế tình trạng sinh viên tốt nghiệp khi ra trường không tìm được việc làm thì quan trọng nhất là ngay từ khi học THPT, các em phải xác định được ngành nghề mà mình chọn, nhiều em do không nắm vững được vấn đề này nên chưa có định hướng nghề nghiệp tốt. Việc tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước mỗi kỳ tuyển sinh sẽ giúp các em chọn được ngành nghề phù hợp trong tương lai, giảm tình trạng học xong cao đẳng, đại học không xin được việc làm. Ngoài ra, các em cần chọn chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương, phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân các em. Từ nay đến năm 2020, ngành sẽ đẩy mạnh việc phân luồng, phấn đấu có 30% học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp, 70% vào THPT. Việc phân luồng học sinh sau THCS được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai.

Để không rơi vào tình cảnh thất nghiệp trong tương lai, ngay từ bây giờ, học sinh THPT cần xác định được hướng đi đúng đắn trong việc chọn trường, chọn nghề, đặc biệt phải lựa chọn những ngành nghề học phù hợp với bản thân và nhu cầu việc làm của xã hội, có như thế vừa tránh được sự lãng phí về thời gian, tiền bạc, vừa tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.